Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc rau cần nước

Trồng rau cần nước

Giới thiệu về rau cần nước

Rau cần nước có tên khoa học là Oenanthe javanica (Blume), là loại rau thuộc họ hoa tán, thân thảo, xốp mềm, màu trắng hoặc xanh nhạt. Rau cần nước còn được gọi là rau cần ta, cần ống, cần cơm, hương cần, hồ cần, là loại rau rất dễ trồng và được sử dụng nhiều.

Rau cần nước là cây rễ chùm, thân rau chia thành nhiều đốt, mỗi đốt có một lá, bẹ lá ôm thân, mỗi nách có thể đẻ một nhánh (thường thì mắt già mới đẻ nhánh con). Rau cần ta sinh sản vô tính và thường sống ở nước. Trồng rau cần thích hợp với đất bùn hẩu, nhiều mùn, đất thịt và luôn có độ pH = 6 – 7.

Rau cần nước ngoài là rau ăn hàng ngày còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh với công dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ sốt, kháng viêm, hạ huyết áp… Theo nghiên cứu khoa học, rau cần có chứa các thành phần như tinh dầu, caroten, vitamin B, C, đường, phôtpho, canxi, sắt, acid hữu cơ, đạm,… rất tốt cho cơ thể của chúng ta. Tác dụng tiêu biểu như sau:

  • Giảm ho, long đờm, chống viêm, hạ huyết áp, giảm đường và mỡ trong máu.
  • Thanh nhiệt, nhuận phế, ngưng ho, sáng mắt.
  • Những người muốn giảm béo cũng có thể dùng rau cần thường xuyên giúp tăng chất xơ, giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể.
  • Có tác dụng loại trừ các chất thải có độc trong hệ tiêu hóa của chúng ta.
  • Kích thích, lưu thông các tuyến mồ hôi và giảm huyết áp.
  • Trị các bệnh như đái tháo đường, tiểu tiện ra máu, viêm gan mãn tính, mất ngủ, đau bụng sau đẻ, bị mưng nhọt, khó đi tiểu, viêm khớp tay chân.

Trồng rau cần nước cần chuẩn bị gì?

1. Đất trồng

Vị trí trồng rau cần là nơi có nhiều ánh sáng hoặc ít nhất là 4h nắng/ngày. Có thể đặt chậu ở ban công hoặc sân thượng. Nhà phố thì bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như thùng xốp, chậu, bao xi măng mà không cần đục lỗ thoát nước. Nhà có vườn thì chỉ cần tận dụng một mảnh đất nhỏ trống là có thể trồng rau cần nước.

  • Đất trồng rau cần nước cần phải tơi, xốp và được bổ sung phân hữu cơ. Có thể tự phối trộn theo tỷ lệ 7 đất : 3 phân hữu cơ (phân trùn quế, phân chuồng ủ hoai…). Nếu không có điều kiện, có thể sử dụng đất sạch trồng rau phối trộn sẵn, đầy đủ dinh dưỡng cho cây.
  • Nếu trồng ở ao hay ruộng nước, thì phải tát hết nước ở trong ao, ruộng, chỉ để mặt đất ẩm, không cần bón phân lót. Nếu trồng cần ở ruộng, thì phải cày bừa đất kỹ, bón lót phân chuồng để tăng dưỡng chất cho đất trồng.

2. Hạt giống rau cần

Rau cần nước sinh sản vô tính nên dùng chồi con để trồng là chủ yếu và nhanh chóng nhất. Cần nước cũng có thể được trồng bằng hạt nhưng phải qua vườn ươm rồi mới mang ra trồng (mất khá nhiều thời gian).

Cách trồng rau cần nước

Nói chung cây rau cần rất dễ trồng, bạn mua rau về ăn rồi quẳng gốc ra vườn nó cũng có thể sống được. Để trồng bài bàn thì bạn nên nhóm mỗi khóm cần gồm 2, 3 nhánh giống. Sau đó, san phẳng mặt đất rồi cấy rau cần nước vào theo hàng. Mỗi hàng cách nhau khoảng 10cm, mỗi khóm cây cách nhau khoảng 5cm là phù hợp nhất cho sự phát triển của cây.

Lưu ý:

  • Nên trồng cần vào buổi chiều râm mát, những ngày đầu thì bạn nên che chắn để cây nhanh thích nghi với điều kiện sống.
  • Cấy cần thật sâu vào đất bùn, để lại 2 – 3 đốt thân trên mặt nước để cây phát triển.
  • Mỗi ngày nên tưới nước 2 lần vào buổi sáng và chiều tối, đảm bảo đất luôn được giữ ẩm. Tuyệt đối không tưới nước vào buổi trưa nắng.

Kỹ thuật chăm sóc cây rau cần sau khi trồng

  1. Tưới nước
    Nước vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của rau cần nước, cả khi trồng cần trong chậu hoặc trồng ngoài diện tích đất lớn. Bạn cần lưu ý cấp nước đủ cho cây phát triển tốt nhất. Khi cây rau cần cao từ 15 – 20cm cho nước ngập 5 – 7cm. Khi cây cao từ 25 – 30 cm, cho nước ngập 15 – 20 cm. Cây cao 50 – 60cm cho nước ngập cách ngọn cây 15 – 20 cm.
  2. Bón phân
    Sau khi trồng rau cần nước được 2-3 ngày, khi thấy cây bén rễ thì rắc tro bếp phủ kín mặt, biện pháp này vừa để chống rét, vừa cung cấp dưỡng chất cho cây phát triển nhanh. Khi cây cao 15 – 20cm bón thúc lần 1 với phân trùn quế hoặc phân chuồng ủ hoai bằng cách rải đều lên bề mặt 1 lớp dày 2 – 3cm. Sau đó cho nước ngập sâu 5 – 7cm. Khi cây cao 30 – 35cm, bón thúc lần 2 và đưa nước vào sâu đến 15 – 20cm. Khi cây cao 50 – 60cm thì bón thúc lần 3 và nước ngập cách ngon cây 15 – 20cm.
  3. Phòng trừ sâu bệnh hại
    Sâu xanh, sâu đo,…là những loại sâu rau thường gặp. Bạn cần phòng trừ sâu hại bằng các loại thuốc như: Neembon, Rotenon… và một số loại thuốc vi sinh như: BT, DelFil, Dipel… Những bệnh thường gặp ở rau cần chủ yếu là bệnh sương mai làm thối đen lá, gây ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Bạn nên xử lý bằng thuốc Alpine 80 WP, Zineb 80Wp, Ridomin MZ72 WP.

Thu hoạch và thưởng thức rau cần

Sau khoảng 1,5 – 2 tháng, có thể thu hoạch được rau cần nước. Trước khi thu hoạch, rút nước ra khỏi nơi trồng, để nước cách gốc cây tầm 3 – 5cm. Thu hoạch rau đơn giản bằng cách dùng kéo bén hoặc liềm cắt cách gốc 1 đoạn từ 2 – 3cm để cây tiếp tục tái sinh cho vụ tiếp theo.

Lưu ý: Mỗi đợt thu hoạch rau xong cần phải bổ sung dinh dưỡng bằng cách hòa phân hữu cơ hoặc phân đạm, urê, phân NPK,… để bón tiếp cho cây nhanh lấy lại sức tiếp tục sinh trưởng và phát triển.

Bạn chỉ cần trồng một đến hai chậu rau cần nước tại nhà theo như hướng dẫn bên trên cũng đủ lượng rau cần cho cả gia đình. Hi vọng bài viết giúp bạn trồng và chăm sóc rau đúng cách. Chúc bạn thành công!

Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy chấm điểm ngay!

0 / 5 4

Your page rank: