NHU CẦU DINH DƯỠNG VÀ KỸ THUẬT BÓN PHÂN CHO CÂY NGÔ TĂNG NĂNG SUẤT

Cây Ngô là 1 trong những cây lương thực được trồng phổ biến tại nước ta. Thành phẩm của cây ngô được dung khá đa dạng mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nông. Tuy cây ngô là cây ngắn ngày, sống được trên nhiều loại đất khác nhau cũng như thích hợp với điều kiện thời tiết nước ta. Nhưng bà con cần chú ý trong khâu canh tác để có các biện pháp trồng trọt, nuôi dưỡng và thu hoạch sao cho đạt năng suất cao. GFC giới thiệu đến bà con nhu cầu dinh dưỡng và kỹ thuật bón phân qua từng giai đoạn. Hy vọng với các thông tin này bà con sẽ chủ động và điều chỉnh được phương pháp trồng ngô đạt hiệu qảu cao.

I. Nhu cầu dinh dưỡng của cây ngô

– Cần bón phối hợp cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ cho ngô. Vì phân hữu cơ ngoài tác dụng cung cấp một phần dinh dưỡng còn cải thiện tính chất vật lý của đất làm cây sinh trưởng tốt hơn.

– Cây ngô hút nhiều đạm, ka li và lân. Lượng dinh dưỡng cây lấy đi tùy thuộc vào năng suất.
Để tạo ra được 1 tấn hạt ngô lượng dinh dưỡng cây ngô lấy đi từ đất: 22.3kg N; 8.2 kg P2O5 và 12.2 K2O. Lượng phân hao hụt để tạo ra 1 tấn hạt ngô là 33.9kg N; 14.5 kg P2O5 và 17.2 K2O. Tỷ lệ nhu cầu dinh dưỡng cây ngô là 1:0.35:0.45.

– Trồng ngô cũng bón thường xuyên các dạng phân chứa S như supe lân và sử dụng phân vi lượng Zn cho ngô để đảm bảo cho ngô năng suất cao, phẩm chất tốt.

– Trên đất nghèo dinh dưỡng như đất xám, đất cát cần bón nhiều lân và kali hơn đất phù sa, đất đỏ bazan. Trên đất bạc màu, đất xám, đất cát bón phân kali có tác dụng tăng năng suất rõ rệt

1.1. Giai đoạn ngô 3 – 4 lá

– Sau khi được gieo (từ 5 – 8 ngày) mầm mọc thành cây con mới: chủ yếu sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong hạt nhờ quá trình hút nước và các quá trình oxi hóa các chất bên trong hạt.

– Khi ngô trưởng thành cây con mới: sẽ bắt đầu hút dinh dưỡng của đất và cơ quan quang hợp của bộ lá bắt đầu hoạt động. Ở giai đoạn này cây ngô không cần nhiều dinh dưỡng chủ yếu cần đất thoáng khí để đảm bảo cung cấp đủ oxi cho bộ rễ phát triển. Để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng thuận lợi thì khi cây ngô có lá thứ 4 nên bắt đầu xới xáo, bón phân và kết hợp chăm sóc đợt 1.

1.2. Giai đoạn ngô 7 – 8 lá

– Đặc tính: cây ngô sinh trưởng rất mạnh về tất cả các bộ phận rễ, thân, lá.

– Nhu cầu dinh dưỡng: cây cần nhiều nước và chất dinh dưỡng, nếu gặp hạn sẽ làm cho cây bị thấp, số lượng hoa hình thành ít, chất lượng kém.

Do tốc độ sinh trưởng nhanh nên nhu cầu dinh dưỡng của phân bón của cây ngô ở thời kỳ này là rất lớn để đạt được hiệu suất cao về phân bón. Nếu thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ làm giảm năng suất rõ rệt.

– Bón phân: bón phân cho ngô đợt 2 bằng cách bón nhiều phân vô cơ kết hợp với tưới nước duy trì độ ẩm khoảng 80%.

1.3. Giai đoạn ngô xoáy nõn

– Đặc tính: cây ngô ngừng sinh trưởng thân lá để chuẩn bị trổ cờ, nhưng vẫn tiếp tục hút các chất dinh dưỡng từ đất.

– Nhu cầu dinh dưỡng: Các chất dinh dưỡng và các chất hữu cơ bắt đầu tập trung mạnh vào các cơ quan sinh sản

– Bón phân: đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và cần chú ý duy trì độ ẩm 70 – 75%.

1.4. Giai đoạn ngô trỗ cờ, tung phấn, phun râu, thụ tinh

– Đặc tính: là giai đoạn bắt đầu khi nhánh cuối cùng của bông cờ xuất hiện rõ và bắp chưa phun râu. giai đoạn này thường kéo dài trung bình khoảng từ 10 – 15 ngày nhưng lại là giai đoạn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất ngô vì nó quyết định đến số hạt/bắp. Nếu quá trình thụ phấn, thụ tinh diễn ra thuận lợi số hạt/bắp lớn còn nếu quá trình trổ cờ, phun râu bất thuận (nghẹn cờ, râu hoặc thiếu nước hạt phấn mất sức sống…) ảnh hưởng đến thụ phấn, thụ tinh thì sẽ làm giảm số hạt/bắp (gây ra hiện tượng khuyết hàng, khuyết hạt).

– Nhu cầu dinh dưỡng: nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, dinh dưỡng và nước đầy đủ thì thời gian tung phấn và phun râu chênh lệch càng ngắn, còn nếu điều kiện ngoại cảnh bất thuận, dinh dưỡng không đầy đủ và nhất là thiếu nước thì thời điểm tung phấn và phun râu chênh lệch càng lớn. Nói chung ở thời kỳ này cây ngô chủ yếu cần đủ nước, dinh dưỡng không cần nhiều,

1.5. Giai đoạn ngô thâm râu

– Đặc tính:

Râu ngô bắt đầu chuyển dần từ trạng thái tươi (màu nâu đỏ) héo dần và thâm đi là dấu hiệu của quá trình thụ phấn thụ tinh đã kết thúc. Sau phun râu khoảng 18 – 20 ngày hạt mềm, các chất dinh dưỡng dự trữ trong hạt ở trạng thái lỏng, màu trẳng như sữa, râu bắp đã khô, hàm lượng nước chiếm phần lớn khoảng 80% khối lượng hạt (nên còn gọi là thời kỳ chín sữa).

– Nhu cầu dinh dưỡng:

Đây là hời kỳ vận chuyển dinh dưỡng từ các cơ quan thân lá về hạt mạnh mẽ nhất nên việc đảm bảo đủ nước và dinh dưỡng ở thời kỳ đóng vai trò rất quan trọng. Và nhất là yếu tố kali còn có tác dụng thúc đẩy quá trình vận chuyển dinh dưỡng từ cơ quan dinh dưỡng về cơ quan dự trữ càng thuận lợi hơn.

1.6. Cây ngô sau thụ phấn, thụ tinh

– Đặc tính: Sau phun râu khoảng 24 – 28 ngày hạt đã hình thành xong chất lỏng trong hạt đặc lại dạng hồ, hạt dần cứng lại, phôi tăng nhanh về kích thước, hàm lượng nước trong hạt bắt đầu giảm còn khoảng 70% (còn gọi là thời kỳ chín sáp).

Sau phun râu khoảng 55 – 60 ngày hạt đã chín sinh lý hoàn toàn, lớp sẹo đen ở chân hạt đã hình thành, trọng lượng hạt đạt mức tối đa, báo hiệu kết thúc sự phát triển của hạt, trọng lượng nước trong hạt giảm còn 30 – 35%, lá ngô và lá bi chuyển vàng.

II. Lượng phân bón

Để tính toán và quyết định bón phân cho ngô với lượng là bao nhiêu, loại phân gì cần dựa vào các căn cứ sau:

– Căn cứ vào nhu cầu và đặc điểm hút chất dinh dưỡng của cây ngô: đây là căn cứ quan trọng nhất, phản ánh được lượng dinh dưỡng cần bổ sung cho đất.

– Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của đất:

+ Đối với đất bạc màu nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ dinh dưỡng kém nên bón nhiều phân hữu cơ để cải tạo đất và bón làm nhiều lần,

Đối với đất phù sa khả năng giữ dinh dưỡng trong đất tốt hơn và thành phần dinh dưỡng cũng phong phú nên có thể bón với lượng ít hơn và bón ít lần.

– Căn cứ vào đặc điểm của giống: các giống ngô lai năng suất cao chịu thâm canh thì nhu cầu dinh dưỡng cao hơn các giống ngô thường.

Ví dụ: các giống ngô có ưu thế lai cao như P11, P9901, Bioseed 9670, 9681, DK888, LVN – 10…cần bón phân tăng gấp 1,2 – 1,5 lần so với các giống thụ phấn tự do(OPV) và giống địa phương.

– Căn cứ vào đặc điểm của loại phân bón

+ Nếu bón phân hữu cơ cần bón với lượng lớn do hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ thấp,

+ Nếu bón phân vô cơ thì có thể bón với lượng ít hơn do hàm lượng dinh dưỡng trong phân vô cơ cao, bón phân NPK cân đối kết hợp với phân hữu cơ là biện pháp hữu hiệu làm tăng năng suất và phẩm chất ngô, giúp cải tạo đất, góp phần chống xói mòn và bảo vệ môi trường sinh thái.

– Căn cứ vào chế độ luân canh, xen canh:

+ Nếu trồng ngô trong cơ cấu luân canh cần tìm hiểu mức bón phân của cây trồng trước để định ra chế độ bón phân cho cây ngô.

+ Khi trồng ngô thuần cần bón phân ở mức độ cao nhưng khi trồng xen cần tính toán lượng phân cần bón cho phù hợp với cây ngô.

– Căn cứ vào điều kiện khí hậu, thời tiết: trong điều kiện vụ đông xuân nhiệt độ thấp cần tăng cường bón lót, bón sớm và có thể tăng lượng bón. Vụ hè thu nhiệt độ cao chủ yếu bón thúc, chia làm nhiều lần bón chú ý thời kỳ cuối.

– Căn cứ vào đặc điểm của giống như giống dài ngày nhu cầu dinh dưỡng cao hơn giống ngắn ngày, giống ngô thuần nhu cầu thấp hơn so với các giống ngô lai.

Các giai đoạn sinh trưởng khác nhau nhu cầu dinh dưỡng của cây cũng khác nhau: thời kỳ cây con nhu cầu dinh dưỡng thấp, thời kỳ sinh trưởng mạnh nhu cầu dinh dưỡng cao…Các giống có thời gian sinh trưởng dài nhu cầu dinh dưỡng gấp 1,2 lần so với các giống có thời gian sinh trưởng ngắn.

Hiệu quả của phân bón chỉ có thể phát huy đầy đủ khi có chế độ bón phân hợp lý, bón cân đối giữa các nguyên tố. Bón phân cho ngô để đạt hiệu quả kinh tế cao phải căn cứ vào đặc tính của loại giống ngô, yêu cầu sinh lý của cây ngô qua các thời kỳ sinh trưởng. Tình hình sinh trưởng của cây ngô trên ruộng, tính chất đất, đặc điểm loại phân bón, kỹ thuật trồng trọt và điều kiện khí hậu thời tiết.

 

Loại đấtGiống ngôLiều lượng bón*, (kg/ha)
NP2O5K2O
Đất phù sa ven sôngLai
Thuần
100 – 120
80 – 90
45 – 60
45 – 50
45 – 60
45 – 50
Đất phù sa trong đêLai
Thuần
120 – 150
90 – 100
60 – 70
45 – 60
90 – 100
60 – 70
Đất bạc màu, đất xám, đất cát biểnLai
Thuần
120 – 150
100 – 120
60 – 70
45 – 60
90 – 100
75 – 80

 

Thời kỳ bónLoại phân và % bón
Phân  hữu cơNP2O5 (1)K2O
Bón lót100100
Thúc 1 (2-4 lá thật) (2)2020
Thúc 2 (7-8 lá thật)4040
Thúc 3 (40-45 NSG)4040

 

 

 

 

 

 

III. Các phương pháp bón phân cho ngô (bắp)

3.1. Bón lót

Bón lót cho cây ngô là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trong suốt thời kỳ cây sinh trưởng và phát triển.

– Phân bón lót: có thể dùng là phân hữu cơ, phân chuồng (thật hoai mục), phân xanh và có thể kế hợp với phân vô cơ như: Đạm, Lân, Kali. Ở những nơi thiếu phân chuồng có thể dùng bèo hoa dâu bón lót cho ngô cũng rất tốt, bón lót bèo hoa dâu cho ngô không những tăng năng suất ngô mà còn có tác dụng rõ trong việc cải tạo đất.

– Cách bón: bón vãi, bón hốc hay bón theo rạch. Trong điều kiện ít phân nên bón theo hốc, theo các rạch. Khi bón lót cần chú ý không để hạt giống tiếp xúc trực tiếp với phân vì phân hóa học tiếp xúc với hạt sẽ ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm của hạt.

3.2. Bón thúc

Bón thúc cho ngô có tác dụng tăng năng suất nhất là những nơi lượng phân bón lót ít. Bón thúc cho ngô phải dùng phân có hiệu quả nhanh như phân chuồng thật hoai mục, tốt nhất là dùng phân bón hữu cơ trùn quế

– Bón thúc lần 1( khi cây ngô có 3 – 5 lá)

Khi chất dinh dưỡng trong hạt đã hết, cây ngô phải hút chất dinh dưỡng từ đất. Do đó bón thúc sẽ cung cấp chất dinh dưỡng kịp thời cho ngô xúc tiến quá trình phân hóa đốt và số lá.

Nên bón gần gốc, cách gốc 4 – 5 cm và bón nông. Các lần bón thúc sau nên bón xa gốc và sâu hơn, thường bón cách gốc 12cm và sâu 5 – 7cm. Khi bón thúc phải làm cỏ xới xáo, bón thúc xong phải vun gốc ngay mới tăng hiệu lực phân

Trường hợp đất ẩm có thể bón trực tiếp vào đất rạch 2 bên rãnh cách gốc 5 – 7 cm, rải đều phân, dùng đất bột lấp lại. Kết hợp vun nhẹ quanh gốc ngô.

– Bón thúc lần 2 (khi cây ngô có 9 – 10 lá)

Cây ngô bước vào giai đoạn phân hóa các cơ quan sinh sản cái. Bón thúc cho ngô lúc này giúp cho quá trình hình thành bắp được thuận lợi. Xúc tiến quá trình tạo ra các bộ phận sinh trưởng như: thân, lá, rễ. Xúc tiến quá trình phân hóa các cơ quan sinh sản. Xúc tiến phân hóa đực (bước 4-6). Hoa cái (bước 1-4) là các bước làm tăng số gié, số hoa đực và hàng hoa cái sau này.

Lần bón thúc này kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun cao gốc và tưới nước (nếu không có mưa).

– Bón thúc lần 3 lúc ngô xoắn nõn (10-15 ngày trước trỗ):

Có tác dụng tốt cho quá trình phân bón hóa bắp, trổ cờ, tung phấn, thụ tinh

* Chú ý khi bón phân cho ngô:

– Vào thời kỳ cây con ở một số thời vụ ngô thường bị ngập nước, hoặc chết rét. Rễ phát triển kém (chân chì) làm cây còi cọc. Có thể kết hợp pha P + N (lượng lân là chính) tưới cho cây để kích thích sự phát triển của bộ rễ.

– Bón thúc cho ngô còn phải dựa vào giống, chất đất, khí hậu, lượng phân bón lót cũng như kỹ thuật trồng trọt để định số lần bón, thời kỳ bón và lượng phân bón cho phù hợp.

– Về loại phân bón thúc nguyên tắc chung là dùng loại phân dễ tiêu, có hiệu quả nhanh như phân đạm, phân hữu cơ thật hoai mục, tốt nhất là dùng phân nước hoặc bón phân kết hợp với tưới nước. Trong điều kiện Việt Nam loại phân giàu đạm như phân bắc, hoai mục, nước tiểu bón cho ngô rất tốt.