Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ đạt hiệu quả cao

 

1. Giới thiệu chung về cây bơ

Cây bơ có xuất xứ từ vùng Trung Mỹ, được con người sử dụng từ hàng ngàn năm trước. Theo những hiện vật còn sót lại thì từ thời người Inca cổ đại đã biết sử dụng trái bơ để làm thực phẩm.

  • Tên khoa học: Persea americana
  • Tên tiếng Anh: Avocado
  • Là loại cây nhiệt đới và bán ôn đới, thuộc kiểu cây gỗ lớn, cao từ 15-20m khi trưởng thành. Tuổi thọ ghi nhận được là hơn 70 năm (trường hợp của cây bơ Hass đầu tiên trồng tại Mỹ)

Lá cây có nhiều hình dạng, nhưng chủ yếu là ovan hơi nhọn về phần đuôi lá, mặt trên bóng, mặt dưới nhám và sáng màu hơn. Hoa thường ra vào đầu mùa xuân và nuôi quả trong khoảng 6 tháng. Thời gian nuôi quả càng lâu thì phần thịt quả (cơm) càng béo và ngon hơn.

Quả có hình như quả lê, vỏ màu xanh, khi chín có khi màu xanh hoặc chuyển qua đỏ, nâu, tím… Bên trong là phần thịt quả, thường có màu vàng nhạt, mềm và béo. Trong cùng là phần hạt, mỗi quả chỉ có 1 hạt, và chiếm khoảng 50-70% thể tích quả.

Đây chỉ là thông tin chung về cây bơ, còn trên thực tế, trong quá trình lai tạo tự nhiên và chọn lọc do con người, cây bơ đã phát sinh ra hàng trăm giống khác nhau. Khác nhau về hình thái lá, quả, thời gian ra hoa, thời gian thu hoạch và cả sự thích nghi với khí hậu đặc trưng (cây ưa lạnh, cây ưa nóng ẩm…).

2. Khí hậu thổ nhưỡng để trồng bơ

  • Đất phù hợp để trồng bơ thường là đất thịt nhẹ, giàu dinh dưỡng, độ tơi xốp cao, thoát nước tốt, cây bơ khi trưởng thành có thể chịu hạn rất tốt nhưng chịu ngập kém.
  • Độ pH của đất từ 5.5 – 6.5
  • Lượng mưa từ 1000mm và phân bổ đều trong năm
  • Cao độ từ 800m trở xuống so với mực nước biển
  • Khu vực trồng nên kín gió, hạn chế gãy cành khi mang quả và tăng tỷ lệ đậu quả khi cây ra hoa
  • Đặc biệt cây cần có sự phân định rõ ràng giữa 2 mùa mưa nắng, tạo điều kiện thuận lợi để phân hóa mầm hoa. Cũng vì lý do này mà chủ yếu cây bơ được trồng từ miền trung trở vào miền nam, miền bắc khó trồng và thường cho 

3.Một số giống bơ phổ biến

Khâu đầu tiên trong kỹ thuật canh tác bơ là chọn giống. Đây là khâu không kém phần quan trọng, quyết định đến hiệu quả kinh tế sau này. Thông thường bà con hiện nay thường chọn các giống bơ có tên tuổi lâu năm. Chẳng hạn một số giống sau

  • Giống trong nước: Bơ 034, bơ năm lóng, bơ không tên, bơ trái dài, bơ tứ quý, bơ mã dưỡng…
  • Giống nước ngoài: Bơ booth, bơ hass, bơ reed, bơ pinkerton…

Các giống hầu hết đều có cơm sáp dẻo, thơm và rất béo, tỷ lệ chất béo đều đạt trên 75%. Một số giống có khả năng thu hoạch trái vụ, nhiều vụ (bơ tứ quý) và bảo quản được đến 10 ngày sau thu hoạch.

4.Tiêu chuẩn chọn giống và thời điểm xuống giống

Về cây giống, hiện nay trên thị trường hầu như những giống bơ ngon đều có sẵn cây giống. Thời điểm cung cấp thường là đầu mùa mưa. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống. Cây giống thường được ghép bằng phương pháp nêm chồi. Tiêu chuẩn để chọn giống như sau

  • Cây giống phát triển đồng đều, chiều cao cây từ 40cm (chồi 15-20cm).
  • Phần gốc ghép thẳng, đường kính ít nhất 0,8cm, vỏ trơn bóng, không có vết thương vật lý hoặc dấu hiệu sâu bệnh
  • Mắt ghép liền mạch, chắc chắn, không bị bó cứng bởi dây ghép
  • Chồi ghép phát triển bình thường, lá đã thuần thục có màu xanh đậm, trên chồi ghép có ít nhất 5-7 lá. Ngọn không bị sâu bọ chích hút
  • Giá thể ươm có thể là xơ dừa hoặc đất thịt, yêu cầu phải chắc chắn, không bị bể vỡ

Ngoài thời điểm xuống giống là đầu mùa mưa, nếu chủ động về nước tưới, bà con cũng thể xuống giống quanh năm. Nếu thời điểm xuống giống vào mùa khô, cần chú ý đến vấn đề che nắng trong ít nhất 6 tháng đầu tiên

5. Chuẩn bị đất trồng – hố trồng và mật độ trồng bơ

Đất trồng bơ trước khi trồng nên cày xới cho tơi xốp, bổ xung thêm phân hữu cơ trùn quế và tiến hành đo độ pH phù hợp với cây bơ. Nếu chưa đạt cần phải tiến hành các biện pháp để điều chỉnh độ pH đất. Đối với đất trước đó đã canh tác cà phê, tiêu, ca cao… cần phải có biện pháp xử lý tuyến trùng, mầm bệnh trước khi trồng bơ. Tốt nhất nên trồng trước 1-2 vụ màu để cải thiện đất

Hố trồng được chuẩn bị trước thời điểm trồng 15-30 ngày. Hố có kích thước tối thiểu 40x40x40cm. Mỗi hố ta sử dụng lớp đất mặt trộn với các thành phần bón lót như sau:

  • Phân trùn quế từ 7 – 10kg
  • Phân lân 0,3 kg + 0,1 – 0,2
  • Phân NPK (16-16-8 hoặc 20-20-10).
  • 1-2 thìa nhỏ nấm đối kháng trichoderma
  • Không nhất thiết phải bổ sung thêm vôi, vì mục đích chính của vôi là sát khuẩn và điều chỉnh pH nếu đất bị chua. Bà con hoàn toàn có thể bổ sung sau trong quá trình cây sinh trưởng

Sau khi đã trộn phân bón lót, bà con lấp hố lại, tưới ẩm và chờ đến ngày xuống giống. Trong thời gian này có thể đem cây giống ra “tập nắng”  cho cây khỏe mạnh và làm quen với ánh nắng trực tiếp.

Mật độ trồng đối với trồng thuần tối thiểu 6m x 6 m, đối với trồng xen là 9m x 9m

6. Tiến hành trồng cây bơ

  • Dùng cuốc, xẻng đào một lỗ nhỏ chính giữa hố đã chuẩn bị, kích thước lớn hơn bầu ươm một chút.
  • Dùng tay xé hoặc dao rạch lớp nilon của bầu ươm, thao tác nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu.
  • Đặt cây vào chính giữa hố trồng, sao cho phần cổ rễ cao hơn mặt đất xung quang từ khoảng 10cm.
  • Lấp đất đồng thời dùng tay nén nhẹ quanh bầu để cố định bầu
  • Vun cao ở phần gốc để hạn chế đọng nước, xung quanh có thể tiến hành khơi bồn đường kính khoảng 1-1,2m để tiện cho việc tưới nước – bón phân
  • Trồng xong cần tưới nước ngay để đất lấp kín vào các khoảng trống và cây không bị héo
  • Nếu trồng trong mùa khô, cần tiến hành che nắng cho cây trong ít nhất trong 3 tháng đầu tiên. Đồng thời cung cấp đủ nước để cây có thể phát triển

7. Chăm sóc cây giai đoạn kiến thiết

Giai đoạn kiến thiết là giai đoạn cây con phát triển, tạo nền móng cho sức sinh trưởng, năng suất về sau. Thường đối với cây bơ là 1-3 năm đầu tiên sau khi trồng. Ở giai đoạn này bà con cần chú ý đến các bước sau

8. Bón phân cho cây bơ kiến thiết

  • Năm đầu tiên: Giai đoạn này bà con nên thường xuyên bón thúc cho cây bằng phân bón NPK pha loãng, có tỷ lệ đạm và lân cao (N,P). Mỗi tháng tưới cho cây 1 lần vào buổi chiều mát. Ngoài ra cũng có thể bổ sung thêm phân hữu cơ trùn quế cho cây bằng cách bón theo hình chiếu của tán lá xuống mặt đất. Nếu kết hợp song song giữa phân vô cơ và phân hữu cơ thì nên bón xen kẽ với nhau. Mỗi cây 1kg phân vô cơ, 2kg phân hữu cơ chia đều ít nhất thành 5-6 lần bón/năm
  • Năm thứ 2 và thứ 3: Tiếp tục bón thúc như trên nhưng tăng liều lượng phân lên gấp đôi.
  • Bên cạnh việc bổ sung phân vào gốc, bà con cũng phải bổ sung thêm phân bón lá trung – vi lượng bằng cách phun qua lá, có thể kết hợp chung với thuốc trừ sâu để giảm công lao động

9. Làm cỏ cho cây bơ

Cần thường xuyên dọn sạch cỏ xung quanh gốc, giúp cây có không gian sinh trưởng hạn chế được nấm bệnh. Tốt nhất nên sử dụng máy phát cỏ hoặc cuốc để làm cỏ, hạn chế tối đa việc xịt thuốc cỏ. Trước mỗi lần bón phân nên dọn sạch cỏ

10. Tưới nước cho cây bơ kiến thiết

  • Nên chủ động việc tưới nước cho cây, nhất là trong mùa khô. Nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh tưới vào giữa buổi trưa làm cho cây bị sốc nhiệt. Khi tưới nên tưới vừa đủ, đồng thời kiểm tra để nước không đọng lại ở phần gốc

11. Cắt tỉa cành cho cây bơ kiến thiết

  • Đối với cây bơ ghép, bà con chỉ nên giữ lại 1-2 thân chính từ phần chồi. Thường xuyên kiểm tra và loại bỏ các chồi vượt mọc từ gốc ghép. Khi cây đạt chiều cao từ 80cm tiến hành hãm ngọn để tạo thêm cành.
  • Loại bỏ các cành yếu, cành sâu bệnh, cành mọc ngang sát mặt đất. Sao cho cành tỏa đều về các hướng.
  • Kỹ thuật cắt tỉa cành linh động tùy theo từng cây. Nhưng tốt nhất nên tạo chiều cao đồng đều và cân đối nhất có thể. Thường đối với trồng thuần thì cành cấp 1 nên cách mặt đất ít nhất 1m, trồng xen thì ít nhất 2m. Không nên để cây quá cao rất bất tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch

12. Phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ kiến thiết

Trong giai đoạn kiến thiết, cây bơ thường xuyên ra nhiều đợt chồi non, bà con cần theo dõi và tiến hành phun phòng các loại côn trùng chích hút. Nên sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất: Permethrin, Thiathomexam, Carbosulfan… Phun ít nhất 2 lần cách nhau 7 ngày vào mỗi đợt cây ra đọt mới

Đối với nấm bệnh, nên tưới gốc và phun qua lá bằng các thuốc chứa: Mancozeb, Metalaxyl, Hexaconazole… Mỗi năm ít nhất 5 đợt. Mùa mưa 3 đợt – mùa khô 2 đợt.

Khi phun thuốc chỉ nên phun vào khi trời mát, tuân thủ đúng liều lượng trên bao bì. Hạn chế phối trộn. Bên cạnh đó cũng có thể dùng Norshield, Ridomil Gold pha đậm đặc quét từ gốc lên khoảng 50-100cm để hạn chế lở cổ rễ, nấm bệnh và côn trùng

Dgreenhome.com

XEM THÊM: