CƠ HỘI NÀO CHO BĐS BÀ RỊA – VŨNG TÀU (BRVT)?

Nói đến BRVT trước đây thì chắc là đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến dầu khí, còn hiện tại chắc là du lịch biển. Ngoài hai yếu tố này thì thật khó để tìm ra được ngành công nghiệp thứ ba của tỉnh này. Nói vậy để thấy rằng những gì BRVT có vị trí thuận lợi, biển đẹp nhưng chưa phát huy được nhiều, chưa thật sự ấn tượng so với các thành phố biển khác như Nha Trang, Đà Nẵng… Có lẽ sau hàng chục năm sống trong nhung lụa với ngành khai thác dầu, chính quyền tỉnh này đã ngủ quên và giờ mới tỉnh giấc giật mình “Nếu không có dầu khí thì chúng ta làm gì để ăn?”.

Về hạ tầng giao thông cơ bản BRVT mấy năm rồi đã làm rất tốt và có lẽ không thua kém bất kỳ địa phương nào ở khu vực phía Nam. QL51 qua khỏi địa bàn Đồng Nai thông thoáng và đẹp hẳn, tới cửa ngõ thành phố Vũng Tàu là 4-5 con đường lớn nối thẳng ra biển, đường nào cũng đẹp; Từ trung tâm thành phố Bà Rịa có hàng chục con đường lớn, thẳng tắp kết nối ra các vùng ven. Cái khó của BRVT là bị anh hàng xóm Đồng Nai chắn ngang không cho cựa quậy gì để kết nối giao thông liên vùng.

Bất động sản Vũng Tàu
Bất động sản Vũng Tàu

BRVT là cửa ngõ hàng hải lớn của của Việt Nam và đóng vai trò vô cùng quan đối với nền kinh tế vận tải biển ở khu vực phía Nam. Hầu hết hàng hóa đi qua con đường vận tải biển của cả khu vực đều phải đi qua BRVT. Nó không khác gì trong bóng đá, hầu hết mọi đường tấn công để dẫn đến bàn thắng đều phải qua chân Tiền vệ. Ở vai trò của một tiền vệ, BRVT chưa phát huy được vai trò kiến thiết và kiến tạo rõ ràng để kéo kinh tế vùng Đông Nam Bộ như Hải Phòng đã làm. BRVT chưa làm xuất sắc vai trò của người kiến thiết lối chơi, may ra đâu đó chỉ tròn vai.

Nằm bên một thị trường lớn và giàu có với gần 20 triệu dân gồm HCM, Bình Dương, Đồng Nai nhưng BRVT chưa móc được hầu bao của người dân những địa phương này, biến nơi đây thành một nơi nghỉ dưỡng, ăn chơi đáng phải đến. Sản phẩm du lịch của BRVT quá nghèo nàn, không có gì ngoài… tắm biển. Người dân TPHCM đi du lịch BRVT không phải vì sản phẩm du lịch ở đây hấp dẫn mà vì nơi đây như là “hồ bơi’’ trong nhà, tiện thì ra bơi xíu rồi về. Nếu BRVT không cải thiện chất lượng và đa dạng sản phẩm du lịch của mình thì sẽ rất khó thu hút khách trong tương lai khi mà giao thông kết nối thuận tiện hơn.

Nếu cải thiện được chất lượng du lịch và ngành công nghiệp cảng biển thì trong 5 – 10 năm tới BRVT sẽ phát triển bùng nổ. Đó là khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng được đưa vào sử dụng thì khoảng cách di chuyển tới TP Vũng Tàu chỉ khoảng 30 phút. Lúc đó BRVT sẽ được chọn là điểm đến cho những hội thảo, hội nghị quốc tế kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng thay vì TP HCM; Lúc đó các doanh nghiệp có nhà máy ở Đồng Nai, BRVT hoàn toàn có thể sẽ cân nhắc việc đặt văn phòng ở VT thay vì TP HCM. Yếu tố thứ hai để BRVT tăng tốc đó là một con đường ven biển kết nối ra khu vực miền Trung (cụ thể là Bình Thuận và Bắc Đồng Nai). Hiện nay cái BRVT thiếu nhất chính là con đường này. Vào những ngày nghỉ, ngày lễ biển VT chật cứng như nêm nhưng biển Phước Hải, Long Hải vẫn vắng vẻ. Nguyên nhân là kết nối kém và gần như không có tiện ích gì.

Vậy cơ hội nào cho BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu?

  • Đối với thành phố Vũng Tàu tôi vẫn đánh giá rất cao về giá trị du lịch của thành phố này. Tuy nhiên đất trống ở khu vực bãi trước gần như không còn. Hiện tại chỉ còn một số ít khu vực đảo Gò Găng và Đảo Long Sơn, khu vực này giá cao và có vẻ không được thuận đường. Nếu bản thân tôi đầu tư sẽ ưu tiên khu vực bãi sau từ làng du lịch Chí Linh kéo dài qua đến Long Hải. Đây là khu vực còn nhiều đất trống, giá hợp lý, giao thông thuận lợi.
  • Đối với thành phố Bà Rịa thật sự tôi không nhìn thấy bất kỳ điểm sáng nào ở thành phố này ngoài hạ tầng giao thông. Có lẽ tỉnh BRVT ngày xưa kéo trung tâm hành chính về thành phố Bà Rịa cũng học theo mô hình thành phố mới Bình Dương nhưng theo tôi bây giờ họ đang cảm thấy hối tiếc. Thành phố Bà Rịa bây giờ nó dở dở ương ương không biết làm gì để sống. Nếu phát triển du lịch dịch vụ thì ở đây không có biển, không có danh lam thắng cảnh. Nếu phát triển công nghiệp thì không đủ quỹ đất và uổng phí, đi ngược lại với xu hướng phát triển. Nếu phát triển nông nghiệp lại càng không. Không ai nói và cũng chẳng ai làm chủ trương phát triển nông nghiệp giữa thành phố cả. Bây giờ làm thế nào để kéo dân về ở, về ở thì làm gì để mà ăn là một vấn đề nan giải với thành phố Bà Rịa. Chính vì vậy tôi không đánh giá cao tiềm năng của thành phố Bà Rịa. Mới nhìn có vẻ đây là một thành phố năng động, cởi mở, nhiều tiềm năng vì đường sá được phát triển đồng bộ, bài bản. Nhưng tìm hiểu kỹ thì tôi lại thấy BĐS Bà Rịa còn không bằng cả Tân Thành.
  • Đối với huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc sẽ rất đẹp và tiềm năng để phát triển di lịch biển vì các lý do sau: (1) Đầu tiên hiện tại các bãi biển ở thành phố Vũng Tàu đã quá tải, vì vậy tỉnh BRVT sẽ ưu tiên phát triển về hướng các huyện này. (2) Tiếp theo trong tương lai BRVT và Phan Thiết sẽ kết hợp tạo thành một hành lang phát triển kinh tế biển cực đẹp kéo dài từ TP Vũng Tàu qua các huyện này ra đến Lagi, Phan Thiết, Mũi Né; (2) Các bãi biển khu vực này rất đẹp và sạch, hiện giờ đã có khá nhiều khu du lịch ở Long Hải. Ngoài khu vực ven biển thì phần diện tích còn lại của Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc chủ yếu là đồi núi đá không có giá trị kinh tế cao. Tôi chỉ nhìn thấy một tiềm năng duy nhất ở các núi này là phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch biển. Tuy nhiên tôi không hy vọng một ngày nào đó các ngọn núi này sẽ bị đào lấy đất đá và thay vào đó là chùa chiền. Đất nền ở các huyện này trong ngắn hạn tôi không đánh giá cao nhưng trong dài hạn sẽ tốt vì khi du lịch các huyện này phát triển sẽ kéo một lượng lớn những người trong ngành du lịch về đây sinh sống. Đất công nghiệp và nông nghiệp ở các huyện này thì chắc không cần phải quan tâm nhiều.
  • Huyện Châu Đức có lẽ nên duy trì là một vùng nông nghiệp, bảo vệ rừng, nguồn nước  cho BRVT. Châu Đức giáp với Cẩm Mỹ, Đồng Nai chủ yếu là đất đỏ bazan rất phù hợp phát triển cây ăn trái, tiêu, dược liệu… Nếu đầu tư BDS nông nghiệp ở BRVT tôi sẽ chọn Châu Đức. Đất nền, đất công nghiệp thì không bàn tới với huyện này.
  • Huyện Tân Thành là địa Phương tôi mê nhất nếu không liên quan đến du lịch. Ở đây có thị xã Phú Mỹ được đầu tư phát triển rất tốt từ nhiều năm trước nhờ các lĩnh vực liên quan đến dầu khí. Ở đây có cảng Phú Mỹ tuyệt đẹp sau này sẽ là trợ thủ đắc lực cho sân bay Long Thành. Ở đây có nhiều KCN lớn đã có hàng chục ngàn công nhân ổn định. Tân Thành nằm kề bên Long Thành sau này sẽ là trung tâm công nghiệp vệ tinh của sân bay Long Thành. Đất nền và đất công nghiệp ở đây đều rất tốt trong cả ngắn hạn và dài hạn vì vị trí đẹp, giá còn rẻ.
  • Cuối cùng sẽ là Côn Đảo, huyện đảo này chúng ta không nói nhiều cũng biết đây là một đảo sẽ phát triển rất tốt ở khu vực phía Nam, có lẽ chỉ đứng sau Phú Quốc. Sắp tới sân bay Côn Đảo được mở rộng thì đảo này còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, nếu bạn không thật sự am hiểu (hiểu sâu) về Côn Đảo thì tôi khuyên bạn không nên đầu tư vào đây.