Giá trị của mắc ca
Hạt mắc ca là loại hạt chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Nhân của chúng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Trong nhân, hàm lượng dầu chiếm tới 78% (cao hơn cả ở lạc, ở hạnh nhân và hạnh đào). Trong dầu đó có tới 87% là axit béo không no – một hợp chất quý đối với sức khỏe con người, nó làm giảm hàm lượng cholesterol và phòng trị bệnh xơ cứng động mạch.
Lượng protein trong hạt chiếm tới 9,2% với 20 loại axit amin (mà trong đó có 8 loại axit amin rất cần thiết đối với con người). Ngoài ra, nó còn có nhiều chất bột, chất khoáng và nhiều loại vitamin. Vì vậy, người ta đã ví von nó là “hoàng hậu của các loại quả khô”!
Đặc biệt, nhân của mắc ca ăn rất ngon, có hương vị bơ, bùi, ngậy. Nó còn được chế biến để làm bánh, làm kẹo, làm dầu ăn, nước uống, làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu. Những năm gần đây, vào dịp Tết, sản phẩm mắc ca được xếp là loại hàng hấp dẫn nhất, thường xuyên không đủ cho khách hàng…

Kỹ thuật trồng cây mắc ca không quá phức tạp, mà chúng ta cần có sự tìm hiểu kĩ về những đặc điểm sinh trưởng, những giống cây, kỹ thuật trồng cây,… từ đó sẽ có thêm nhiều hiểu biết để quá trình trồng cây trở nên thuận lợi hơn.
Cây mắc ca được trồng nhiều ở đâu tại Việt Nam?
Mắc ca là cây có nguồn gốc từ châu Úc. Sau khi nhập về nước ta, cây được trồng thử nghiệm đầu tiên ở Ba Vì (Hà Nội). Sau quá trình thử nghiệm, cây được trồng phổ biến hơn ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và khu vực Tây Nguyên. Cây mắc ca có tuổi thọ kinh doanh vào khoảng 40-60 năm. Ngay ở Đà Lạt cũng có một cây mắc ca có tuổi thọ trên 60 năm do người Pháp đưa vào trồng nay vẫn tươi tốt. Mắc ca không có rễ cọc mà chủ yếu là rễ chùm được phân bố ở tầng đất phía trên. Vì vậy, nó chống đỡ với gió bão kém. Mắc ca phân cành nhiều, tán lá dày. Lá cứng và ở nhiều loài mép lá có răng cưa. Mắc ca rất nhiều hoa. Hoa của chúng giống với hoa lộc vừng, có loại màu trắng, có loại màu hồng.

Kỹ thuật trồng cây mắc ca
Đặc điểm sinh trưởng
- Nhiệt độ: Cây mắc ca chịu lạnh tương đối tốt, nhiệt độ trung bình từ 15 – 30 độ C, nhiệt độ thích hợp nhất để trồng cây là 20-25 độ C.
- Lượng mưa: Thích hợp để cây phát triển tốt là 1.600-2.500 mm.
- Độ cao: Thích hợp so với mặt nước biển sẽ là 10-1.200 m, cây đặc biệt thích hợp ở những nơi ít gió phơn (gió Lào), sương muối, sương phùn.
- Đất đai: Cây mắc ca thích hợp ở những nơi có tầng đất dày khoảng hơn 50 cm. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, khả năng thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ, độ pH đạt từ 4-6,5.
- Địa hình: Nên trồng cây ở những nơi tương đối bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 200.
- Ánh sáng: mắc ca là một loại cây ưa sáng, nên chúng ta cần lưu ý không nên trồng mắc ca dưới tán của loại cây khác.
Chọn cây ghép làm giống
Nên chọn những cây có đặc điểm sau:
- Chòi ghép đã hóa gỗ từ 20cm trở lên
- Có đường kính cổ rễ từ 1,0-1,5 cm
- Những cây ghép sinh trưởng tốt, không có sâu bệnh, lá có màu xanh và phiến lá phát triển bình thường.

Phương thức và mật độ trồng
- Trồng thuần loại: Mật độ trồng từ 205 cây/ha (với cự ly 7x7m) đến 278 cây/ha (cự ly 6×6 m)
- Trồng xen với cà phê và hồ tiêu mật độ 124 cây/ha (với cự ly 9x9m), với chè mật độ là 111 cây/ha (cự ly là 15×6 m).
Thời vụ trồng mắc ca
Ở mỗi khu vực sẽ có những thời vụ trồng khác nhau, cây mắ ca được trồng tốt nhất vào mùa xuân đối với khu vực phía Bắc và đầu mùa mưa đối với khu vực phía Nam.
Làm đất, đào hố và bón lót
- Làm đất: Chúng ta cần dọn sạch cỏ dại trên đất, để tránh sâu bệnh và sự cạnh tranh dinh dưỡng. Cuốc lật đất hoặc xới đất, với những nơi đất dốc chúng ta nên làm bậc thang theo đường đồng mức có độ rộng từ 2-4 m
- Đào hố: Chúng ta nên đào hố trước khi trồng cây từ 1-1,5 tháng với kích thước hố là 80x80x60 cm, chúng ta cần chú ý để lớp đất trên mặt riêng để trộn với phân lót khi lấp hố lại.
- Bón lót: Bón 50kg phân chuồng (hoặc phân vi sinh), 500g phân NPK với 300g vôi bột trộn đều với phần đất mặt rồi lấp hố lại, chúng ta cũng nên bón lót trước khi trồng ít nhất là 1,5 tháng.
Trồng cây con
Để đạt được hiệu quả cũng như năng suất cao, trên mỗi đơn vị diện tích chúng ta nên trồng từ 4-5 dòng mắc ca (không trồng đơn dòng), những dòng này nên trồng xen kẽ nhau để tăng tỉ lệ đậu quả, giảm sâu bệnh và rủi ro mất mùa.
Đầu tiên, chúng ta đào hố sâu đủ để đặt vừa bầu cây xuống khoảng 40 cm. Kế tiếp, rạch bỏ phần nilon quấn bấu đất, đặt bầu đất vào hố ngay ngắn và thẳng đứng. Sau đó, chúng ta lắp đất và nén chặt, phủ đất quanh bầu thành hình mai rùa, cao hơn mặt đất khoảng 5cm để dễ dàng thoát nước khi có trời mưa.
Để cây được cố định và không bị gió làm nghiêng, chúng ta dùng 3 cọc dài từ 60-80 cm cắm thành hình tam giác xung quanh, cách gốc cây khoảng 40-50 cm, buộc chụm phần trên ngọn cọc lại tướng ứng với ⅔ chiều cao của cây.
Phủ rơm, rạ hoặc cỏ quanh gốc cây dày 4-5 cm và rộng khoảng 1m để giữ ẩm và ngăn có dại phát triển.
Kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca
Chăm sóc cây đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.
- Sau khi trồng xong, nếu không có mưa, chúng ta cần tưới ẩm với thời gian ít nhất là trong 20 ngày để giúp cây phục hồi và ra lộc non.
- Trong 2 tháng tiếp theo, chúng ta sẽ tưới cây 1 lần/1 tuần, lượng nước tưới thích hợp dao động từ 10 – 15 lít/ cây.
- Những công việc khác chúng ta cần làm là: Xới xáo, làm cỏ, phá váng xung quanh gốc cây từ 0,8-1m, mỗi năm chúng ta thực hiện chăm sóc cây 2 lần và tiến hành thường kỳ qua hàng năm.
Hy vọng những chia sẻ của XANHome trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cây mắc ca và quan trọng là hiểu rõ kĩ thuật trồng để giúp bạn có được vườn mắc ca năng suất cao và đạt được kết quả như mong muốn, cảm ơn vì đã theo dõi.
Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy chấm điểm ngay!