Hoa thạch thảo được biết đến là loài hoa đẹp được nhiều người yêu thích. Để nắm được cách trồng và chăm sóc hoa thạch thảo, hãy cùng XANHome theo dõi bài viết dưới đây.
Hoa thạch thảo là cây gì?
Hoa thạch thảo có tên gọi khác là cúc cánh mối. Đây được biết là loài thực vật thuộc nhóm cúc sao và thuộc họ Asteraceae. Chính đặc điểm hình dáng và cánh hoa mỏng như cánh mối nên thường gọi với cái tên thân thuộc là cúc cánh mối. Hoa thạch thảo phân bố nhiều ở các nước châu Âu, châu Á và xuất hiện nhiều nhất tại nước Ý. Việt Nam thì giống hoa này được trồng nhiều ở Đà Lạt vì nơi đây đáp ứng được yêu cầu về nhiệt độ của hoa thạch thảo.
Thạch thảo là loài cây thân bụi sống lâu năm và có chiều cao trung bình từ 15cm đến 50cm. Hoa thạch thảo có nhiều cánh mỏng bung xòe tuyệt đẹp, còn phần lá thì thuôn dài hình lưỡi mác. Đây là loài cây thích hợp sống ở vùng có khí hậu lạnh. Giống hoa này được phân làm nhiều loại với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Để phân biệt từng loại hoa thạch thảo thì thường dựa vào màu sắc và hoa thạch thảo có những màu sắc đặc trưng như: Thạch thảo trắng, thạch thảo tím, thạch thảo hồng, thạch thảo vàng, thạch thảo lam tím,…
Thạch thảo có vẻ đẹp nhẹ nhàng và đơn giản nên đại diện cho những nét đẹp đơn thuần và mộc mạc của con người và nó cũng là loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng cho sự mong manh và cần được chở che của những tiểu thư, của những người phụ nữ.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa thạch thảo
Chọn giống hoa thạch thảo
- Lựa chọn giống: Trước tiên, hãy chọn giống hoa thạch thảo phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương bạn. Các giống phổ biến bao gồm Aster novi-belgii (New York Aster), Aster amellus (Italian Aster), và Aster tataricus (Tatarian Aster).
- Kiểm tra sức khỏe cây giống: Đảm bảo cây giống không bị sâu bệnh, lá xanh tươi, rễ phát triển tốt. Nếu mua giống từ cửa hàng, nên chọn những cây có thân mập mạp, lá không bị héo hoặc có dấu hiệu của bệnh.
Đất trồng phù hợp với hoa thạch thảo
- Chuẩn bị đất: Đất cần tơi xốp, giàu dinh dưỡng, và quan trọng là thoát nước tốt. Bạn có thể pha trộn đất vườn với phân hữu cơ, mùn cưa hoặc cát để cải thiện độ thoáng khí và độ thoát nước của đất. Tham khảo công thức sau: trấu hun (hoặc phân mùn ủ mục) + đất thịt sạch + xỉ than + phân trùn quế. Bạn có thể trồng vào chậu hay dưới đất đều được.
- pH đất: Hoa thạch thảo phát triển tốt nhất trong đất có pH trung tính (6.0 – 7.0). Trước khi trồng, hãy lưu ý kiểm tra và điều chỉnh độ pH nếu cần thiết bằng cách sử dụng vôi hoặc chất axit hóa đất nhé!
Ánh sáng phù hợp với hoa thạch thảo
- Ánh sáng mặt trời: Hoa thạch thảo cần ánh sáng mặt trời đầy đủ để phát triển và ra hoa tốt. Chọn vị trí trồng hoa ở nơi có ít nhất 6-8 giờ ánh sáng mặt trời mỗi ngày để cây bền vài nhiều hoa.
- Bóng râm nhẹ: Cây cũng có thể sinh trưởng ở nơi có bóng râm nhẹ, nhưng ánh sáng đầy đủ vẫn là yếu tố quan trọng giúp cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa đẹp.
Cách tưới nước cho hoa thạch thảo
- Tưới nước đều đặn: Cần tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cho đất. Tuy nhiên, tránh tưới quá nhiều, gây tình trạng ngập úng và gây thối rễ. Tưới đẫm nước sau khi trồng, sau 2-3 ngày hoặc khi đất se khô mới tưới nước lại. Mùa đông nên giảm tưới nước cho cây.
- Kiểm tra độ ẩm: Kiểm tra độ ẩm của đất bằng cách chọc ngón tay vào đất khoảng 2-3 cm. Nếu thấy đất khô, cần tưới nước. Vào mùa hè, có thể cần tưới nước nhiều hơn so với mùa đông.
Hoa thạch thảo nên dùng phân bón nào?
Để cung cấp đủ dinh dưỡng cho hoa thạch thảo, cần bón phân định kỳ bằng phân hữu cơ hoặc phân NPK. Khoảng 1-2 tháng bón một lần, tùy thuộc vào điều kiện đất và sự phát triển của cây. Sử dụng phân hữu cơ như phân chuồng hoai mục, phân trùn quế hoặc phân xanh giúp cải thiện cấu trúc đất và cung cấp dinh dưỡng bền vững cho cây; còn phân NPK (Nitơ, Phốt pho, Kali) giúp cây phát triển mạnh mẽ, ra hoa đẹp và bền. Nên sử dụng kết hợp cả phân hữu cơ và NPK.
Cách cắt tỉa cây hoa thạch thảo
Khi thạch thảo ra chồi khoảng 10 – 15cm thì ngắt bỏ chồi ngọn để tăng cành nhánh, cây hoa sẽ dầy dăm hơn nhằm làm tăng nhánh cây và số hoa. Khi hết đợt hoa nở nên ngắt bỏ hoa tàn rồi bón phân để thân cây to chắc. Cũng cần cắt tỉa các cành hoa đã tàn và các cành yếu, cành bị sâu bệnh để cây khỏe hơn và thúc đẩy cây ra hoa mới. Việc này giúp cây tập trung dinh dưỡng cho các bông mới và duy trì vẻ đẹp của cây. Thời điểm tốt nhất để cắt tỉa là vào mùa xuân và mùa hè, khi cây đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Khoảng 2 – 3 năm tiến hành tách nhánh để nhân giống trên đất trồng.
Phòng ngừa sâu bệnh cho hoa thạch thảo
- Quan sát thường xuyên: Thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện sớm các dấu hiệu của sâu bệnh. Các loại sâu bệnh thường gặp ở hoa thạch thảo bao gồm rệp, nhện đỏ và bệnh nấm.
- Sử dụng thuốc trừ sâu hữu cơ: Nếu phát hiện sâu bệnh, có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu hữu cơ hoặc các biện pháp tự nhiên như dầu neem (dầu sầu đâu) để kiểm soát.
- Vệ sinh vườn: Giữ vệ sinh vườn sạch sẽ, loại bỏ lá rụng và cành cây khô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu bệnh.
Nhìn chung thạch thảo là loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho hoa quanh năm, rất phù hợp để trang trí ban công, sân vườn. Hoa thạch thảo có thể được trồng trong chậu, trồng bồn, trồng trên đất đều được. Thân cây xanh mướt và hoa nhiều màu sắc tạo nên cảnh quan rất đẹp, tô điểm cho không gian sống thêm thi vị và thơ mộng.

Trên đây, XANHome đã giới thiệu với quí bạn đọc về kỹ thuật trồng hoa thạch thảo. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ về giống, phân bón, phương pháp trồng, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Chúc bạn thành công!
Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy chấm điểm ngay!