5 BƯỚC CHĂM HOA HỒNG KHỎE MẠNH MÙA MƯA

5 bước chăm hồng khỏe mạnh

Mùa mưa đang chuẩn bị ùa về cũng là lúc bạn bắt đầu lo lắng cho những nàng hồng bé bỏng của mình. Bởi mưa mang đến cho hoa hồng rất nhiều điều kiện bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển như: sâu bệnh, úng nước, thối rễ, dập hoa,… Tuy nhiên, mưa cũng là điều kiện tốt cho cây phát triển vượt trội nếu ta biết cách chuẩn bị và chăm sóc đúng cách.

Vì vậy, hôm nay hãy cùng DTF chia sẽ 5 bước chăm hồng khỏe mạnh trong suốt mùa mưa

1/ Chuẩn bị khi mùa mưa sắp bắt đầu

Trước khi mùa mưa dầm chính thức bắt đầu, ta nên tiến hành 2 việc quan trọng để bảo vệ cây hồng là

  • Cắt tỉa bỏ các cành lá già yếu, vàng vọt, sâu bệnh để giúp cây có độ thông thoáng tốt nhất có thể.
  • Phun phòng ngừa một số loại thuốc sinh học giúp hoa hồng đề phòng các loại nấm, bệnh dễ gây hại trong mùa mưa

2/ Tăng tính thoát nước cho cây

Hoa hồng sợ nhất là tình trạng bị úng nước, với lượng nước mưa dồn dập cây sẽ khó khăn trong việc thoát nước và dễ dẫn đến thối rễ. Vì vậy có thể chuẩn tăng tính thoát nước cho cây bằng cách

  • Kê cao chậu cây, tạo nhiều lỗ thoát nước tốt ở đáy chậu. Đồng thời, tạo nhiều rãnh thoát nước tốt nhất cho vườn.
  • Lót dưới đáy chậu các loại giá thể có khả năng tăng tính thoát nước. Đặc biệt là sỉ than

3/ Bổ sung dinh dưỡng cho cây

Mùa mưa là mùa tất cả các loại cây có thể phát triển cực kỳ tốt, tốt nhất là cho việc phát triển chồi và thân lá. Vì vậy, hoa hồng cũng không ngoại lệ. Vào thời điểm này, khi được tắm mát qua những cơn mưa, hồng sẽ phát triển vượt bật về thân lá. Tuy nhiên, bên cạnh đó ta vẫn cần bổ sung phân bón để cây có nguồn dinh dưỡng đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cây phát triển.

Bón phân vào mùa mưa thường gây cho người trồng hồng một số lo âu như: bón phân không hiệu quả, phân dễ bị nước rửa trôi, lãng phí,…Nếu bạn cũng đang lo ngại những điều tương tự, hãy

  • Chọn loại phân phù hợp: trong thời điểm này, đất cần được bổ sung nguồn dinh dưỡng mang tính cải tạo cao nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng, tránh dinh dưỡng quá đậm gây sốc cây. Vì vậy, các nguồn phân bón hữu cơ sẽ là sự lựa chọn lý tưởng. Tiêu biểu có thể kể đến một loại phân cực kỳ phù hợp cho hoa hồng đó là phân trùn quế.
  • Cách bón phân tránh thất thoát: Trước khi bón phân hữu cơ cho cây, tiến hành xới nhẹ lớp đất mặt, rải phân vùi xuống và lấp đất lại. Sau đó có thể phủ thêm một số vật liệu giúp che chắn lên bề mặt chậu hồng. Tưới nước từ từ ở lượng vừa phải.

4/ Bảo toàn dinh dưỡng cho cây trong suốt mùa mưa

Nguồn dinh dưỡng cho cây hồng sẽ tồn tại trong đất trồng, mưa sẽ là yếu tố dễ làm mất dinh dưỡng từ trong đất, vì vậy ta nên thực hiện:

  • Che hoặc phủ gốc cây, tránh nước mưa dập chai đất trồng
  • Phủ bề mặt chậu bằng phân trùn quế viên nén hoặc trấu để bảo vệ nguồn phân bón (nước mưa xối trực tiếp vào chậu ở lượng quá nhiều sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng của phân bón)

5/ Phòng tránh các tác nhân gây hại

Đối với hoa hồng, mùa mưa đến là lúc dễ phát sinh nhiều loại bệnh như: thán thư, đốm đen trên lá, đốm lá do vi khuẩn, khô cành,… Vì vậy ta nên tiến hành phun thuốc phòng ngừa trước. Trong mùa mưa thường xuyên quan sát các biểu hiện trên cây, nếu phát hiện bệnh nên xử lý ngay vết bệnh để tránh lây lan (mùa mưa là mùa các loại bệnh cực kỳ dễ lây lan) và kết hợp sử dụng các loại thuốc điều trị cho cây.

Ngoài các loại sâu bệnh hại, mùa mưa còn là cơ hội cho ốc sên cắn phá trên hoa hồng.Ta nên quan sát kỹ để phân biệt dấu hiệu giữa sâu tấn công và ốc sên cắn phá. Rọi đèn thêm vào buổi tối để bắt gặp tình trạng ốc sên tấn công. Nếu gặp trường hợp đó, hãy sử dụng loại thuốc bã mồi để tiêu diệt một cách hiệu quả nhất.

Trên đây, là những chia sẻ cực kỳ thiết thực từ chị Thảo ở Lâm Đồng chủ vườn hồng, mùa mưa đã cận kề, mau về chuẩn bị cho hồng của nhà mình để sống sót khỏe mạnh và xinh đẹp bất chấp bạn nhé!

Dgreenhome.com Chúc bạn thành công!