5 nguyên nhân lan bị cháy rễ, thui hỏng đầu rễ

Hoa lan bị cháy rễ, khô rễ

Đầu rễ hoa lan bị thui, ngừng phát triển là do những nguyên nhân yếu tố nào gây nên? Bài viết này sẽ chỉ ra 5 nguyên nhân lan bị cháy đầu rễ, ngừng phát triển, đồng thời sẽ đi sâu vào từng yếu tố để giúp mọi người có những biện pháp xử lý và phòng tránh.

Đầu rễ bị thui do phân thuốc

Phân thuốc là Phân bón và thuốc trừ sâu bệnh hại. Phân thuốc dùng để chăm sóc cây lan mà sao lại làm đầu rễ bị thui được? Đúng, phân bón là thức ăn cho cây giúp cây sinh trưởng và phát triển. Thuốc trừ sâu bệnh hại dùng để phòng và trị bệnh cho cây. Bình thường là như vậy khi ta sử dụng đúng liều lượng. Khi ta lạm dụng phân thuốc, sử dụng quá liều thì có thể dẫn đến tình trạng cháy rễ như trên.

Đây là nguyên nhân khiến lan bị cháy đầu rễ hàng đầu. Không chỉ có rễ bị ảnh hưởng mà lá cũng sẽ bị cháy, cây có thể bị ức chế sinh trưởng. Cây lan phát triển chậm lại, có thể đứng lại luôn. Vì thế chúng ta nên sử dụng phân thuốc một cách hợp lý, đúng liều lượng không lạm dụng. Nhỏ ăn ít lớn ăn nhiều, sử dụng phân bón dạng viên nén tan chậm sẽ rất phù hợp với hoa lan trong mọi thời điểm.

Độ ẩm môi trường quá thấp khiến rễ không thể phát triển

Độ ẩm môi trường vô cùng quan trọng trong việc trồng lan. Cây lan phát triển tốt trong điều kiện độ ẩm từ 70-80%. Ở trong rừng hoa lan bám trên các thân cây sống. Cây cối không chỉ tiết hơi nước qua lá mà còn qua thân. Cây lan bám ở đó nhận được hơi nước từ cây tiết ra nên độ ẩm được đảm bảo. Ngày nay lượng người chơi lan ngày một tăng. Mỗi nhà có một vài giò lan treo ban công, bên cửa sổ, không có điều kiện làm một giàn lan thật sự, hoặc các bác trên thành phố tận dụng sân thượng làm giàn lan cho riêng mình.

Những nơi như thế có độ ẩm thấp, nóng và khô khi bước vào mùa hè. Mùa đông lạnh và độ ẩm cực thấp. Chính những nguyên nhân này làm ảnh hưởng đến bộ rễ, kiến rễ thui đầu, ngừng phát triển. Để đảm cho cây lan phát triển cũng như bộ rễ được an toàn thì cần có tiểu khí hậu tốt, độ ẩm đủ, không quá khô cũng không quá ẩm ướt.

Giá thể trồng lan không đảm bảo khiến cây bị cháy rễ

Giá thể là nơi bộ rễ lan bám vào, cũng là nơi giữ nước, giữ độ ẩm, thức ăn và nâng đỡ cây lan. Giá thể là nơi bộ rễ tiếp xúc nhiều nhất. Do đó giá thể ảnh hưởng rất lớn đến bộ rễ. Nguyên nhân lan bị cháy đầu rễ, thui rễ không phát triển được là do giá thể bị mục, chưa được xử lý đất cát, bụi bẩn, nấm bệnh; giá thể quá khô hút nước ngược từ bộ rễ.

  • Giá thể mục
    Giá thể lâu ngày sẽ bị mục dần, nhanh hay chậm tùy thuộc từng loại khác nhau. Nhanh mục phải kể đến vỏ dừa, mùn dừa, dớn chile. Những giá thể lâu ngày bị mục, mất đi độ thông thoáng cho bộ rễ, rong rêu phát triển mạnh, khiến rễ bị hỏng không phát triển được. Cây lan lụi dần đi nếu không thay giá thể mới. Khi giá thể có dấu hiệu mục ta cần thay giá thể để cây lan tiếp tục phát triển. Nếu lười thay giá thể, các bạn nên chọn các loại giá thể bền như vỏ thông, sỏi nhẹ, đá bọt,…
  • Giá thể không được xử lý
    Vỏ dừa không được xử lý loại bỏ chất chát, giá thể bẩn dính đất, cát,… chắc chắn rễ lan sẽ bị thui khi vừa chạm vào. Giá thể trồng lan cần phải sạch không dính đất cát, loại bỏ chất chát, muối (trong than củi có muối cần ngâm và thay nước nhiều lần nhằm loại bỏ bớt muối). Cách xử lý giá thể: Ngâm nước vôi từ 3-4 ngày, một đến hai ngày thay nước một lần. Sau đó rửa lại thật sạch với nước, để loại bỏ hết vôi và chất bẩn còn trong giá thể.
  • Giá thể quá khô
    Ví dụ giá thể than củi không được ngậm đủ nước. Khi đó than sẽ hút nước ngược từ bộ rễ khiến rễ bị thui. Trường hợp này khá phổ biến do than không được ngâm cho chìm trước khi trồng và quên tưới một hai ngày. Than giữ muối rất tốt, vì thế cần phải định kỳ xả nước để rửa vợi muối nếu muốn bộ rễ phát triển được. Giá thể than củi chỉ được cái rẻ, bền, dễ kiếm.
Trồng lan trên giá thể than củi
Trồng lan trên giá thể than củi

Lan bị hỏng rễ do yêu tố vật lý

Yếu tố vật lý ở đây là do rễ lan bị va chạm, tác động bên ngoài, khiến đầu rễ bị tổn thương từ đó dẫn đến thui, hỏng ngừng phát triển. Đây là nguyên nhân lan bị cháy đầu rễ không đáng có. Cố định phần gốc cây lan không chặt là một trong những nguyên nhân chính, khi phần gốc lỏng lẻo gió thổi làm lung lay. Các đầu rễ xanh mới ra va chạm với giá thể làm hỏng rễ. Do đó khi ghép lan cần cố định chặt phần gốc không được lung lay. Hạn chế di chuyển giò lan, treo lan với khoảng cách rộng. Giảm thiểu sự va chạm do tác động của gió làm ảnh hưởng đến bộ rễ.

Ốc sên, sâu róm hại lan

Một sát thủ chuyên ăn đầu rễ chính là ốc sên – kẻ thù không đội trời chung với hoa lan. Đầu rễ xanh và non là thức ăn ngon và hấp dẫn với ốc sên. Chúng nhấm nháp từ từ mỗi ngày một ít, không tha cho chiếc rễ nào hết. Ngoài rễ chúng còn gặm cả mầm gốc, thân cây non. Kẻ thù thứ hai là sâu róm, loại này thích ăn đầu rễ và lá non, gần tương tự như ốc sên.

Sâu róm thì có ít, để ý cây nào bị đêm chúng ta soi đèn sẽ bắt được, do chúng hoạt động vào ban đêm., ngày trú ngụ khó lòng tìm được. Còn ốc sên thì rất đông do sinh sản nhanh, khó tiêu diệt hoàn toàn. Với loại này tốt nhất mua bả ốc về rải thường xuyên, rải xung quanh chậu lan, dưới nền ốc ăn bả sẽ chết.

Trên đây XANHome đã điểm 5 nguyên nhân hàng đầu khiến cây hoa lan bị cháy rễ, thui hỏng đầu rễ và biện pháp khắc phục. Hi vọng mọi người ưa thích trồng lan có thêm góc nhìn trong việc chăm sóc cây để tạo ra những giò hoa lan chất lượng. Nếu cần thêm thông tin, đừng ngần ngại gọi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy chấm điểm ngay!

0 / 5 0

Your page rank: