NÔNG NGHIỆP – CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH.
1. Dẫn nhập.
Tôi sinh vào thời hậu chiến, nên tuổi thơ được giáo dục thấm đẫm những từ khóa: chiến đấu, chiến thắng, thắng lợi vẻ vang, cảm tử, phanh thây uống máu quân thù…
Ấn tượng nhất là câu nói:
Quân ta giật sập cầu tiêu
diệt nhiều tên địch.
Thế nên, thời đại chúng tôi là thời đại hung hăng và hiếu chiến với đủ ngôn ngữ, trò chơi chiến tranh. Chúng tôi tự hào dân tộc mình quen chiến đấu và chiến thắng. Thậm chí khi nói về hòa bình, chúng tôi vẫn hiểu rằng, cần đổ máu mới có được điều đó…
Nhưng trong tâm thức trẻ thơ, tôi vẫn đặt câu hỏi:
Liệu có thể dùng hòa bình thay cho chiến tranh?
Liệu cha ông có cách nào giảm bớt chiến tranh để con cháu không phải hưởng nền hòa bình làm nên bởi xương máu?
Sau này khi lớn lên, tôi đã tìm được những câu trả lời cho chính mình.
Nền tảng đó, khiến tôi viết bài viết về nông nghiệp với chủ đề NÔNG NGHIỆP – Chiến Tranh và Hòa Bình.
2. NHỮNG Ý NIỆM TÀN SÁT.
Dường như hầu hết nông dân đều được giáo dục ý niệm tàn sát, tiêu diệt tất cả những thứ có hại. Và cả một bộ máy truyền thông quốc gia cũng đào tạo người dân như vậy:
DIỆT KHUẨN.
DIỆT NẤM.
DIỆT CỎ.
TRỪ SÂU.
Mà không được giáo dục, truyền thông rằng còn có cách khác như:
Cạnh tranh sinh tồn Nấm, Khuẩn.
Sử dụng Cỏ như tài nguyên.
Quản lý và khai thác côn trùng.
Có lẽ bởi vậy nên những cuộc chiến cứ liên miên không dứt, và phe thua cuộc hình như là côn trùng và nông dân. Còn người tiêu dùng là nạn nhân.
Góc nhìn này có lẽ ít được đề cập một cách tổng quan, thay vào đó là những cuộc tranh cãi vô bổ giữa các trường phái nông nghiệp.
3. GỌI TÊN NHỮNG CUỘC CHIẾN.
A. Diệt khuẩn.
Các vi khuẩn có lợi vây quanh con người và cây trồng trên mặt đất đông áp đảo loài có hại.
Tại sao tôi khẳng định như vậy?
Bởi nếu ngược lại, chúng ta đã là những zombie hay những xác chết đang mục nát.
Thế nhưng, con người trong các ngành như y tế, nông nghiệp, giáo dục luôn cho rằng phải Diệt Khuẩn mới là an toàn.
Trong bệnh viện, không ai dám phun sương lợi khuẩn thay cho các loại thuốc sát khuẩn.
Trong nông nghiệp, việc áp dụng cạnh sinh lợi khuẩn đã có, nhưng sâu xa bên trong vẫn là tiêu diệt.
Bản thân vi khuẩn luôn có xu thế cạnh tranh sinh tồn, bên nào nhiều và có dinh dưỡng, môi trường ưu tiên, bên đó sẽ chiến thắng.
Nếu coi vi khuẩn có hại là phe đối địch, con người có nhiều cách hòa bình hơn so với tận diệt tất cả vi khuẩn – những thứ không nhìn thấy bằng mắt thường.
Đó là:
– Tạo điều kiện cho lợi khuấn sinh sôi để lấn át hại khuẩn.
– Hoặc tự cường, tăng kháng thể cho bản thân, vật nuôi, cây trồng để tự nhiên cân bằng.
Thực tế ngược lại với những điều tôi nêu trên.
Chúng ta, với trí tuệ siêu phàm của loài thống trị, thích diệt sạch tất cả mới thấy yên tâm.
B. Diệt Nấm.
Hàng ngày, chúng ta vẫn sử dụng thức ăn lên men từ nấm, khuẩn như rượu, tương, sữa chua, mắm, chao, nem chua, thịt chua…
Bản chất, đó là sự ủng hộ cho hòa bình của vi sinh vật và cơ thể trên cơ chế cộng sinh.
Thế nhưng, ý niệm của chúng ta là Diệt, nên khi cây trồng, vật nuôi, thậm chí con người gặp nấm bệnh, chúng ta cũng luôn tìm cách sử dụng những thứ chúng ta tìm ra như hóa chất, sát khuẩn… để phủ kín.
Cuộc chiến này thông thường mang lại chiến thắng nhất thời, nhưng lâu dài chúng ta luôn thua cuộc.
Tại sao lại thua cuộc.
Bởi chiến tranh vẫn tiếp diễn với chúng ta là phe chủ động.
C. Cây cỏ và côn trùng.
Nhiều nông dân yêu chuộng hòa bình cũng kêu gọi coi cỏ là tài nguyên và cân bằng sinh thái côn trùng. Để thuyết phục, họ đưa ra những cách làm như trồng cỏ có lợi, che phủ hay rải đậu – cây mọc nhanh, có lợi – để thay cỏ cùng với hỗ trợ thiên địch, quản lý côn trùng tập trung.
Nhưng vì xót xa trước sự tàn phá của côn trùng, người nông dân chưa dễ đồng tình.
Phe khuyên nhủ rất vất vả, bởi chưa thay đổi được bản chất ý niệm Tận Diệt, thích Chiến tranh và Chiến thắng trong suy nghĩ của đại đa số nông dân.
Vậy nên, cuộc chiến hoặc sẽ tiếp tục kéo dài.
Hoặc có một sự thay đổi mới đồng bộ, toàn diện do những “sứ giả hòa bình” có nhận thức sâu sắc, kiến thức chắc chắn, giải pháp đa dạng dựa trên thực nghiệm sẽ lấy mô hình của mình làm mẫu. Họ kết nối với nhau để tạo ra mạng lưới ngày càng dày đặc.
4. CHIA SẺ “LÝ THUYẾT SUÔNG” VÀ KHẨU CHIẾN CỦA CON NGƯỜI.
Lời nói suông hay những bài viết trên mạng xã hội mà không có thực tế chứng minh sẽ vô nghĩa.
Tệ hơn nữa là việc tán tụng, chia sẻ một cách nhanh nhẹn những bài viết của cá nhân ai đó ra cộng đồng mà không đủ khả năng bảo vệ quan điểm của mình qua thực nghiệm.
Điều này tạo ra những làn sóng tranh luận, tranh cãi, công kích và mang lại cảm xúc xấu.
Tôi gọi vui đó là sâu bọ, vi sinh vật, thực vật chưa đánh nhau mà con người đã có khẩu chiến.
Mà có khẩu chiến là sẽ có khẩu nghiệp.
Tôi khi chia sẻ điều gì, ngoài việc dẫn chứng luôn có chính kiến với trải nghiệm cá nhân. Và hạn chế tối đa tranh luận lý thuyết suông. Thay vào đó, tôi kết nối với những người hành động, chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
Chỉ những người có trải nghiệm mới vững vàng trước các tranh luận, bởi Thực tế chính là Chân lý.
Thế nên, lâu lâu, có bạn nhận tôi là Thày lại gửi về cho tôi các ảnh chụp chiến trường khẩu chiến của lý thuyết suông, chia sẻ nhanh không thực nghiệm. Tôi đôi khi trở thành nạn nhân bất đắc dĩ mà vẫn phải cười hớn hở vì trở nên nổi tiếng theo cách không mong muốn.
5. NHỮNG GIẢI PHÁP CÂN BẰNG.
A. Lợi khuẩn tăng cường vào nơi có hại khuẩn.
B. Lợi nấm tăng cường vào nơi có nấm bệnh (nấm đối kháng – lưu ý, men rượu cũng có thể là nấm đối kháng, không cứ là tricho)
C. Dùng nấm men để bảo quản, chế biến thực phẩm, kết hợp với sấy để rút nước, hạn chế vi khuẩn, nấm hại hoạt động.
D. Sử dụng thực vật có lợi với con người cạnh tranh với thực vật không mong muốn. Ví dụ như vãi đậu cạnh tranh cỏ dại.
E. Sử dụng côn trùng, động vật thiên địch trong bảo vệ thực vật.
F. Tăng cường miễn dịch cho con người và vật nuôi. Coi vật nuôi, thực vật như con người. Con người dùng trước các giải pháp để trải nghiệm an toàn.
G. Coi vấn nạn là tài nguyên. Như việc biến rác hữu cơ thành phân bón, trồng hoa – rau – dược liệu và sấy làm sinh kế nông thôn.
H. Bảo vệ môi trường nước, đất, không khí với các giải pháp cân bằng nói trên.
I. THỰC HÀNH VỚI LÝ LUẬN VỮNG VÀNG VÀ CHIA SẺ KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM. Hạn chế chia sẻ lý thuyết suông.
K. Truyền thông cộng đồng với kết quả thành công.
Trong 9 giải pháp đề ra, tôi và các cộng sự đều nói được và làm được.
Chúng tôi đã lan tỏa những điều trên trong “cái gọi là” Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế, nơi kết nối những con người HƯỚNG ĐẾN SỰ TỬ TẾ mà chưa nhất thiết đã hoàn toàn tử tế như Thánh nhân.
Lời kết:
Nếu bạn đã thực hành và trải nghiệm có kết quả, chúng tôi tha thiết mong bạn lan tỏa.
Còn nếu chỉ đọc thấy vui, chưa thực hành mà chia sẻ toàn văn, thì điều đó sẽ gây trở ngại rất nhiều cho Hòa Bình nông nghiệp của chúng ta.
Ps. Cuộc chiến chống lại Thực Phẩm Bẩn chính là cuộc chiến từ trong tư tưởng con người. Con sâu vô tội bởi nó muốn sinh tồn mà thôi.
(Dgreenhome sưu tầm)