Hiểu đúng và đủ thông tin về phân bón hữu cơ Dgreen

Hiểu về phân bón hữu cơ

Trong thời gian gần đây, nông nghiệp hữu cơ dần trở thành xu hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam ta. Trong đó, để phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách đúng nghĩa, người canh tác cần am hiểu tường tận về vai trò và cách áp dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất. Đứng trước ma trận phân bón hữu cơ trên thị trường, chúng ta cần hiểu đúng và đủ hơn về phân bón hữu cơ.

1. Phân bón hữu cơ là gì?

Là loại phân chứa các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng có nguồn gốc hữu cơ, được hình thành từ phân, chất thải gia súc gia cầm, phụ phế phẩm nông nghiệp, phế thải sinh hoạt, rác, phụ phẩm các nhà máy thủy hải sản,… Trong đó, thành phần chất hữu cơ phải đạt 22% trở lên và khoáng phải đạt 15% trở lên.

2.Phân loại

  • Phân hữu cơ truyền thống: chúng được tạo ra từ nguồn nguyên liệu và cách xử lý truyền thống. Các nguồn thành phần chủ yếu tạo nên là: chất thải từ động vật, phế phẩm nông nghiệp, phân xanh (bèo hoa dâu, cây họ đậu), chất độn… Các nguồn này sau khi trải qua quá trình ủ cho hoai mục có thể sử dụng cho việc bón cây trồng
  • Phân hữu cơ sinh học: Là loại phân chế biến công nghiệp, có nguồn nguyên liệu hữu cơ (đôi khi có thêm than bùn) được xử lý & lên men theo một quy trình công nghiệp với sự tham gia của một hay nhiều chủng vi sinh vật. Sản phẩm sẽ chứa các hợp chất sinh học như: axit Humic, Humin, axit amin & các hợp chất khác,…
  • Phân hữu cơ vi sinh: Có nguồn nguyên liệu và quy trình công nghiệp như phân hữu cơ sinh học nhưng có một hoặc nhiều chủng vi sinh vật vẫn còn sống và sẽ hoạt động khi được bón vào đất.
  • Phân hữu cơ khoáng: Là phân hữu cơ sinh học được trộn thêm phân vô cơ. Hàm lượng hữu cơ chiếm từ 15% trở lên, hàm lượng N-P-K ≥ 8%.

3.Các phương pháp tạo thành/chế biến phân hữu cơ

  • Biện pháp thô sơ: người trồng có thể tiến hành làm ngay tại gia đình. Phương pháp này thường áp dụng trong cho phân chuồng, phân rác, phân xanh, than bùn. Chỉ cần tìm hiểu quá trình ủ cho từng loại phân, đảm bảo kiểm tra khi thu hoạch phân đã hoai hoàn toàn là có thể sử dụng
  • Phương pháp công nghệ vi sinh: thường được áp dụng trong chế biến các nguồn hữu cơ ít vi sinh vật như rác thải đô thị, than bùn và các chất hữu cơ khó phân hủy như vỏ trấu, bôt gỗ, thân vỏ cây…Các chế phẩm được sử dụng phương pháp chế biến này thường được gọi là phân hữu cơ sinh học.
  • Phương pháp chế biến than bùn: gồm giai đoạn hoạt hóa và giai đoạn dưỡng hóa. Phân hữu cơ chế biến từ than bùn ngoài việc cung cấp chất mùn humat còn có vai trò là chất mang, giúp các chất dinh dưỡng khoáng ít bị rửa trôi, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật tồn tại và phát triển.

4.Ưu điểm/ lợi ích của phân hữu cơ

  • Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đầy đủ, cân đối và bền vững.
  • Bổ sung và tạo điều kiện cho nguồn vi sinh vật phát triển
  • Kích thích phát triển hệ rễ, hệ lá
  • Tăng chất lượng nông sản.
  • Hạn chế sự rửa trôi và xói mòn đất
  • Cải tạo đất trồng.
  • Không làm ô nhiễm môi trường
  • Tiết kiệm nước tưới
  • Tăng hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ
  • Tăng hương vị cho nông sản

phan-bon-huu-co-la-gi

5.Nhược điểm của phân hữu cơ

Ngoài những ưu điểm thì phân hữu cơ cũng có những nhược điểm như:

– Hàm lượng chất dinh dưỡng thấp nên phải bón lượng lớn

– Đòi hỏi chi phí lớn để vận chuyển

– Không chế biến kỹ có thể mang đến một số nấm bệnh cho cây trồng, nhất là khi chế biến từ một số loại chất thải sinh hoạt và công nghiệp.

– Các vi sinh vật gây hại có khả năng tồn tại trong phân gồm: E. coli, Salmonella, Coliform – là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm hoặc ô nhiễm thứ cấp do có chứa các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây hại vượt quá mức quy định.

Mặc dù còn một số nhược điểm nhất định, tuy nhiên phân hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người và môi trường. Hãy chọn cho cây trồng và đặc biệt là đất của mình những liều thuốc mang tính an toàn, bền vững mà vẫn hiệu quả.

Dgreenhome.com