RỪNG AMAZON

Chỉ với 4 thập kỷ khai phá, con người đã chấm dứt 55 triệu năm hấp thụ carbon của rừng Amazon
Với hơn 390 tỷ cây xanh, rừng nhiệt đới Amazon từng được mệnh danh là lá phổi xanh của Trái Đất trong suốt 55 triệu năm. Đó là bởi nó cung cấp một chức năng quan trọng trong chu trình nước và carbon của cả hành tinh.
Rừng Amazon sở hữu khả năng tái chế đặc biệt bằng cách bơm nước từ đất trở lại bầu khí quyển qua thảm thực vật mà nó nuôi dưỡng. Đồng thời, rừng cũng lưu trữ một lượng lớn carbon vào trong các cây thân gỗ, hạn chế hậu quả của khí thải nhà kính đối với một hành tinh đang nóng lên.
Các nhà khoa học cho biết Amazon đang lưu trữ một lượng carbon khổng lồ, gấp từ 2 đến 3 lần tổng lượng CO2 thải ra bởi Vương quốc Anh sau 3 cuộc cách mạng công nghiệp cộng lại.
Nhưng cũng chính bởi vậy, Amazon có thể trở thành một quả bom hẹn giờ nếu hệ sinh thái của nó bị phá hủy. Lẽ tự nhiên khi cây cối chết, lượng carbon mà nó lưu giữ trong thân sẽ quay trở lại bầu khí quyển.
Một nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí Nature ngày 14 tháng 7 cho biết rừng Amazon bây giờ đang tạo ra tới 1,5 tỷ tấn CO2 mỗi năm – phần lớn từ hoạt động đốt phá rừng để lấy đất phục vụ chăn nuôi gia súc và trồng đậu nành. Ngược lại, cây cối phát triển tự nhiên chỉ hấp thụ lại được 0,5 tỷ tấn CO2 trong số đó.
Điều này khiến lượng CO2 thải ra từ Amazon mỗi năm vượt qua ngưỡng 1 tỷ tấn, tương đương với lượng phát thải của cả Nhật Bản. Lá phổi của Trái Đất đã không còn xanh, Amazon bây giờ đã trở thành nguồn đóng góp carbon ròng cho cả hành tinh.
Điều gì đang giết chết Amazon?
Để có được số liệu đi đến kết luận, tác giả nghiên cứu mới – Luciana Gatti đến từ Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Barazil đã phải dành gần một thập kỷ bay qua bay lại trên mái rừng Amazon.
Cô đã thu thập mẫu không khí và phân tích nồng độ CO2 ở các khu vực và độ cao khác nhau, từ những địa điểm được bảo tồn tốt nhất cho đến những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất bởi hạn hán, thời tiết khắc nghiệt và cả do con người.
Kết quả cho thấy sự suy thoái rừng Amazon đã diễn ra trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây, bắt nguồn từ hệ quả của biến đổi khí hậu, các điều kiện thời tiết cực đoan và cả sự phá hoại từ phía con người.
Ngày càng có nhiều con đường chính được mở trong vùng rừng Amazon, cắt xẻ cảnh quan của nó từ nam tới bắc, từ đông sang tây cho phép con người thọc sâu mũi giáo hủy diệt của mình vào lõi rừng Amazon hơn bao giờ hết.
Ở phía đông bắc khu rừng, tác động của hạn hán, hoạt động khai thác gỗ và các đợt cháy rừng tái diễn liên tục trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho carbon lưu trữ ở Amazon trở lại bầu khí quyển.
Tác động của đám cháy trong rừng nhiệt đới tạo ra một hệ sinh thái nhạy cảm với lửa, bao gồm sự thay đổi cấu trúc rừng, giảm trữ lượng carbon, sụt giảm đa dạng sinh học và chất dinh dưỡng trong đất.
Nhưng Gatti cho biết khu vực đông nam Amazon mới là chỗ cô cảm thấy ngạc nhiên hơn cả. Sự suy giảm của rừng ở khu vực này xảy ra chỉ vài năm sau khi một diện tích lớn của nó bị chuyển thành đồng cỏ chăn nuôi. Cảnh quan thay đổi gây ra những hiệu ứng domino lên vùng rừng lân cận, khiến nó hành xử một cách khác biệt.
Vùng rừng trước đây là khu vực lưu trữ carbon chính của Amazon nay đã đảo chiều xả thải theo những cách mà chính các nhà khoa học cũng chưa giải thích nổi. Nó đóng góp trực tiếp vào việc làm giảm khả năng chống chịu của rừng nhiệt đới trước biến đổi khí hậu và tăng nguy cơ theo cấp số nhân, thúc đẩy khí hậu đạt đến mức lý thuyết của “điểm tới hạn”.
Làm sao để cứu khu rừng sống lại?
Có hai việc cần phải làm để khôi phục Amazon trở lại thành lá phổi xanh của Trái Đất. Thứ nhất, chúng ta phải ngăn chặn hiệu ứng mất rừng domino đang xảy ra, hay bảo vệ các khu vực vẫn còn khả năng lưu trữ carbon của Amazon khỏi các vụ cháy rừng tự nhiên cũng như hành vi phá hoại của con người.
Kế đó, chúng ta phải đầu tư vào việc khôi phục cảnh quan trên quy mô lớn, trồng mới lại các khu vực rừng Amazon đã bị mất hoặc đạt tới điểm tới hạn trong bậc thang lưu trữ carbon.
Thật không may, Brazil lại đang không làm tốt cả hai việc này. Họ thậm chí đi ngược lại con đường khôi phục một Amazon trở lại thành lá phổi xanh của Trái Đất.
Thống kê cho thấy Barazil chính là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 6 trên thế giới. Trong đó, 44% lượng khí thải của họ liên quan trực tiếp đến việc thay đổi sử dụng đất, chủ yếu là chuyển đổi rừng sang đất nông nghiệp, trồng đậu nành và đồng cỏ chăn nuôi gia súc.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo một kịch bản với cái gọi là “giả thuyết điểm tới hạn của Amazon”. Họ dự đoán rằng một khi 20% rừng Amazon bị tàn phá, cả hệ thống sinh thái của nó sẽ chuyển từ bể chứa carbon sang nguồn phát thải carbon. Giờ đây, giả thuyết lâu đời đó đã bắt đầu được xác nhận trong thực tế.
Cơ hội đảo ngược điều đó ngày càng trở nên xa vời hơn. Chính phủ Brazil đã không đầu tư vào việc khôi phục Amazon, ngược lại họ còn để tỷ lệ phá rừng và cháy rừng tăng lên từ năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác.
Việc thay đổi chính sách môi trường ở Brazil, chẳng hạn như cho phép khai thác ở các vùng đất bản địa, hợp thức hóa quyền sử dụng đất trên các khu đất công bị chiếm dụng bất hợp pháp và nới lỏng quy trình cấp phép môi trường, đã tiếp tục khuyến khích những hoạt động khai thác rừng bất hợp pháp, làm phát sinh thêm nạn phá rừng và cháy rừng.
Vậy để thay đổi tình trạng này, chúng ta phải làm gì? Giải pháp tình thế cho đến lúc này là phải thắt chặt trở lại các quy định pháp luật, hiện tốt hơn việc đấu tranh và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp gây ra nạn phá rừng và tội phạm môi trường ở Amazon.
Tiếp đó, chính phủ Brazil nên có chế tài hợp lý để khuyến khích sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, hỗ trợ người dân bản địa và nền kinh tế của cộng đồng địa phương. Họ cũng phải tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm của Amazon, thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng quốc tế trong việc cung cấp tài chính xanh và các giải pháp môi trường khác.
Ngoài ra, từ phía các cá nhân cho đến các tổ chức lớn, chúng ta có thể tẩy chay các sản phẩm và sáng kiến thúc đẩy nạn phá rừng, thay vào đó tiêu thụ các sản phẩm và tài trợ cho các sáng kiến bảo vệ rừng bền vững.
Đến giờ phút này, nếu cả xã hội Brazil và toàn cầu không nhận thức được tầm quan trọng của Amazon đối với cuộc chiến chống lại những tác động lan tỏa của biến đổi khí hậu trong khu vực và trên toàn thế giới, tất cả chúng ta đều sẽ thua cuộc.
Nguồn: Dgreenhome.com sưu tầm Tham khảo Theguardian