Ngày càng có nhiều dịch bệnh cây trồng, đất bạc màu, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế thấp. Nhiều bà con đặt câu hỏi “giải pháp nào để cải tạo đất, canh tác bền vững, năng suất cao, giảm chi phí canh tác, tăng hiệu quả kinh tế?”. Có rất nhiều biện pháp, nay chúng tôi xin chia sẻ với bà con giải pháp dùng phân vi sinh, chế phẩm để cải tạo, cân bằng cơ giới đất, canh tác bền vững.
Trồng trọt là ngành khai thác nhiều nhất tài nguyên đất và nước hiện nay, vì cây trồng trên mặt đất, hút dinh dưỡng từ đất và được tưới bằng nước, bón phân thường xuyên để phát triển. Đất và nước là 2 trong những yếu tố quan trọng với cây trồng, ảnh hưởng sự phát triển, năng suất cây trồng, canh tác bền vững.
Nhưng ta lại có thể thay đổi hai yếu tố được đó là đất và nước, và thay đổi hai yếu tố này như thế nào để được mùa vụ ổn định thì cần nhiều kiến thức hơn là kinh nghiệm. Chúng ta từ xưa tới nay đa phần sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu theo cảm tính nhiều hơn là theo tính toán một cách khoa học, vì đa số nông dân ta không có nhiều thông tin, làm sao ta có thể biết được cây mình đang trồng cần bao nhiêu phân bón là đủ? Làm sao ta có thể biết được nguyên nhân chính xác của bệnh là từ đâu mà ra để trị tận gốc? Làm sao mà bệnh trên cây trồng lại đến với khu vườn của mình mà không đến với khu vườn của người khác?
Phân hữu cơ giúp cho cây như thế nào? Bón như thế nào là hợp lý? Liều lượng bón ra sao? Ngoài ra cấp thiết hơn đó là phân hóa học, một loại phân bón tạo nên cách mạng cho nền nông nghiệp về năng suất và độ hiệu quả, chúng ta chưa sử dụng chúng một cách hợp lý, chưa biết liều lượng phù hợp, cũng chưa biết chúng có tác hại gì lâu dài cho đất, cho nước và cho sức khỏe của chính chúng ta.
Do chúng ta chưa hiểu nhiều về những sản phẩm mà ta đang sử dụng cho đất, cho cây trồng nên đôi khi ta sử dụng sai hoặc hoặc sử dụng đúng mà chúng ta không hề biết. Nếu sử dụng sai, chúng ta vừa tốn tiền lại mang lại nhiều thiệt hại hơn là lợi ích cho chính mình.
Tôi xin kể câu chuyện có thật về chăm sóc vườn rau sạch để bà con hiểu hơn về phân bón, cách bón phân, chăm sóc cây trồng.
Ban đầu vườn rau được một cô quản lý, cô không có nhiều kiến thức về phân bón và trồng rau. Cô mong muốn làm sao để khu vườn phát triển tốt với chi phí tiết kiệm nhất nên chỉ sử dụng phân hóa học mà không bón phân hữu cơ để cải tạo đất, ban đầu do đất còn mới, tốt nên khi bón nhiều phân hóa học đúng là năng suất cao thật và rau lớn tốt, nhưng dần dần theo tháng ngày đất ngày càng cằn cõi, rau chậm lớn và dễ bệnh, cô bón nhiều phân hóa học hơn nữa, cho đến lúc không thể thay đổi được tình hình nữa cô đành nhường quyền quản lý cho người khác.
Sau đó vườn rau được Huyền (có kiến thức về phân bón, trồng trọt) thuê lại và có những điều chỉnh rất tích cực. Huyền sử dụng phân trùn quế để cải tạo đất dần dần theo từng vụ và dùng phân hóa học có liều lượng rất hợp lý, đặc biệt bạn chỉ pha phân hóa học với nước để tưới cho rau mà không rải vào trong đất. Sau 3 vụ đầu tiên đất bắt đầu màu mỡ trở lại, rau lớn tốt hơn, ít bệnh hơn . Đến 6 tháng sau vườn rau được khôi phục lại, rau cho năng suất cao, ổn định và điều đáng nói là tình hình sâu bệnh giảm đi rất nhiều.
Qua câu chuyện trên ta có thể thấy rằng việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cần có kiến thức đúng để sử dụng hợp lý mà đem lại những lợi ích lâu dài. Nếu bón không đúng cách, bón đại, không tìm hiểu rõ thì sẽ làm đất bạc màu, cây trồng năng suất thấp. Trong trường hợp này, Huyền hiểu những sản phẩm mà bạn sử dụng được cây hấp thu như thế nào? Để bạn có thể dùng chúng theo kiến thức của mình hiệu quả nhất.
Huyền đã sử dụng phân trùn quế để cải tạo đất, xới đất trộn chung với phân trùn quế, tưới nước 2 ngày trước khi trồng. Các vi sinh vật trong phân trùn quế bắt đầu hoạt động, vi sinh vật phân giải chất hữu cơ khó phân hủy tạo nguồn dinh dưỡng dễ hấp thụ cho cây, vi sinh vật đối kháng sẽ kìm hãm mầm bệnh còn lại của mùa vụ trước, vi sinh vật tổng hợp dinh dưỡng cho đất, cho cây. Bên cạnh đó phân trùn quế còn cung cấp lượng khoáng đa trung vi lượng cho cây trồng.
Phân hóa học được pha vào nước, tưới trực tiếp cho cây hấp thu phân tốt và hạn chế lãng phí. Một số loại phân hóa học (chứa đạm) dễ thất thoát, bay hơi khi rãi phân xuống đất vì một số phản ứng, enzym phân giải, nitrat hóa tạo thành khí bị bay hơi. Bên cạnh đó, bón quá nhiều phân hóa học cây hấp thụ không hết, còn tàn dư trong đất, làm chai đất, mất cân bằng cơ giới đất, nhiễm độc đất, tạo điều kiện vi sinh vật có hại phát triển. Như vậy để sử dụng phân hóa học hiệu quả, bà con nên bón vừa đủ phân nhưng chia nhiều lần hoặc pha vào nước và tưới trực tiếp cho cây.
Cây trồng cần được bón thường xuyên hơn là bón nhiều trong một lúc, vì vậy nên bón phân ít trong nhiều lần. Nhưng chúng ta đang mắc kẹt ở một bài toán giữa chi phí lao động và chi phí phân bón, khi bón ít trong nhiều lần ta tiết kiệm phân bón nhưng lại tốn công, khi chúng ta bón nhiều trong 1 lần thì ta lại tiết kiệm chi phí lao động.
Vậy có những giải pháp nào, giải pháp nào là tối ưu, dễ sử dụng, chi phí thấp, hiểu quả cao?
Nguồn: Dgreenhome.com sưu tầm tổng hợp