Thanh long bùng nổ diện tích
Do đang có giá trị kinh tế cao, đầu ra nhìn chung thuận lợi, cây thanh long đang phát triển rất nhanh ở các vùng trồng trọng điểm. Nhiều nông dân ở các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận đang ồ ạt chuyển lúa và các loại cây trồng ngắn ngày khác sang trồng thanh long.
Đua nhau trồng
Về vùng chuyên canh trồng cây thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) rất dễ thấy trên các cánh đồng trước đây vẫn chỉ trồng lúa, đến nay nhiều diện tích đã được người dân đào đất lên liếp, xây trụ bê tông để trồng thanh long. Không chỉ trong vùng quy hoạch trồng thanh long, nông dân ở những xã nằm ngoài quy hoạch cũng đua nhau trồng với hy vọng nâng cao thu nhập đổi đời.
Tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo hiện có cả trăm thửa ruộng trồng thanh long. Ông Nguyễn Văn Ngoảnh, dù đang tất bật cày cuốc thửa ruộng của mình để trồng thêm 1.000 m2 thanh long, vẫn dừng tay tâm sự với chúng tôi: “Trồng lúa vất vả mà hổng “ăn” bằng trồng thanh long, do vậy tui tính phá bỏ toàn bộ diện tích lúa khoảng gần chục công ruộng còn lại để trồng thanh long, nhưng không đủ vốn đầu tư nên giờ trồng một ít trước, khi nào có tiền thì lên liếp trồng nữa!”.
Theo ông Ngoảnh, vụ vừa rồi, chỉ với 2.000 m2 trồng thanh long, ông đã thu lãi được hơn 50 triệu đồng. Ông Ngoảnh cho biết thêm: “Do vùng này khô hạn nhiều, nên muốn trồng thanh long thì phải bơm chuyền nhiều cấp mới có nước tưới. Tuy nhiên, bà con chịu cực chút mà có lời nhiều là vui rồi”.
Tương tự, gia đình bà Huỳnh Thị Đoạn, xã Tân Thuận Bình đã quyết định bỏ nghề trồng nếp bè để chuyển toàn bộ 1 ha sang trồng thanh long. Cũng ở xã này, chúng tôi còn thấy nhiều thửa ruộng khác đang được đào đất lên liếp trồng thanh long.
Dọc theo tuyến đường đi qua thị trấn Tầm Vu và các xã Long Trì, xã Dương Xuân Hội… (đều thuộc huyện Châu Thành, Long An), diện tích thanh long trồng mới trên đất lúa xuất hiện khắp nơi. Thậm chí, bên cạnh đám lúa non là các trụ xi măng vừa được trồng, còn nguyên sợi dây buộc dây thanh long vào trụ.
Ông Phạm Văn Hưng, ấp Long An, xã Long Trì, cho hay, nhà ông trước đây có 3 ha đất ruộng đều trồng lúa hết. Nhưng từ 2 năm nay, toàn bộ chỗ đất này đều đã được chuyển sang trồng thanh long.
Chúng tôi theo ông Hưng đi một vòng quanh ấp Long An, thấy diện tích trồng thanh long đã có vẻ áp đảo diện tích trồng lúa. Ông Hưng chỉ vào một số ruộng lúa gần nhà ông, nói: “Nếu không bị dịch bệnh đốm trắng trên thanh long, mấy ruộng lúa kia giờ cũng đã thành ruộng thanh long hết rồi”.
Lợi nhuận cao là nguyên nhân chính khiến cho diện tích thanh long đang được mở rộng một cách ồ ạt và tự phát. Ông Trương Quang An, Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An), cho hay, mỗi ha thanh long cho năng suất bình quân 40 tấn/năm. Với năng suất cao như vậy, cộng với giá bán đang ở mức tốt như hiện nay, mỗi ha có thể cho thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí nếu làm tốt có thể đạt tới 500 triệu đ/năm.
Nỗi lo tự phát
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN-PTNT Chợ Gạo, do nông dân gia tăng trồng thanh long nên diện tích thanh long của huyện này hiện nay đã vào khoảng 3.500 ha, tăng tới 1.900 ha so với năm 2009. Nếu so với diện tích quy hoạch đến năm 2015 là 4.000-5.000 ha, thì diện tích hiện tại ở vùng quy hoạch vẫn còn trong “khuôn khổ”.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là diện tích thanh long nằm ngoài vùng quy hoạch hiện đã lên tới cả chục ha và đang tiếp tục tăng nhanh do người dân thấy giá thanh long cao nên đổ xô trồng.
Ở Long An, diện tích thanh long cũng đang tăng lên chóng mặt. Bà Nguyễn Thị Đậm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho hay, theo kế hoạch, đến năm 2015 diện tích thanh long sẽ dừng lại ở con số 1.500 ha, nhưng đến nay, diện tích thanh long ở huyện này đã lên tới 2.700 ha, vượt tới 1.200 ha so với quy hoạch. Chỉ với những con số như trên, đủ để thấy việc phát triển thanh long một cách tự phát ở huyện này đang ở mức độ nào.
Ở tỉnh Bình Thuận, có nhiều vùng trồng lúa không hiệu quả, nhưng nông dân không bỏ ruộng, trả ruộng, mà cũng đã tự phát chuyển đổi trồng thanh long trên đất lúa. Chỉ trong nửa đầu năm 2013, trên vùng đất lúa của tỉnh này, đã tăng thêm xấp xỉ 500 ha thanh long.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, hiện nay, giá lúa giảm trong khi giá thanh long lại tăng, nên rất khó vận động nông dân không được tự phát trồng thanh long trên đất lúa. Nhất là khi những hộ trước đây làm lúa bao năm mà vẫn nghèo, nay đã sớm đổi đời nhờ thanh long.
Do diện tích thanh long phát triển mạnh và mang tính tự phát theo kiểu da beo trên nền đất lúa, nên những hộ vẫn còn đang trồng lúa xen kẽ với các ruộng thanh long không khỏi lo âu. Gia đình ông Huỳnh Tấn Phát, xã Thanh Phú Long (huyện Châu Thành) đã trải qua nhiều thế hệ gắn bó với cây lúa, nhưng chưa bao giờ ông lại cảm thấy lo lắng như hiện nay.
Ông Phát than vãn: “Gia đình tôi có 5.000 m2 đất trồng lúa, nhưng đang rơi vào tình trạng “khát” triền miên vì thiếu nước. Mặc dù, nguồn nước trong kênh thủy lợi vẫn đầy nhưng ở ruộng lại khô nứt vì mỗi lần bơm nước vào ruộng chẳng được mấy ngày lại bị cạn sạch bởi những rãnh sâu của vuông thanh long bên cạnh hút hết”.
Theo ông Phát, nước cứ bơm vào ruộng được bao nhiêu thì lại chảy xuống rãnh sâu hết bấy nhiêu. Nếu không đủ nước thì lúa của gia đình ông cũng không thể phát triển tốt, mà bơm hoài chi phí sản xuất tăng cao vọt. Tuy nhiên, nếu sắp tới nhiều hộ xung quanh đều tự “quy hoạch” chuyển sang trồng thanh long thì ông sẽ rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, vì việc sản xuất lúa của gia đình ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi các phương tiện máy móc cơ giới hóa như máy gặt đập liên hợp, máy cày sẽ không có đường vào.
Tương tự trường hợp của bà Huỳnh Uyển Trang, xã Phước Tân Hưng, ruộng lúa nhà bà hiện đang bị những vuông thanh long bao vây tứ phía. Khi thấy xung quanh nhiều bà con đều quyết định chuyển lúa sang trồng thanh long, khiến ruộng lúa của gia đình bà bị lọt thỏm giữa những vùng trồng thanh long. “Trồng lúa trong tình cảnh này, phải bơm nước rất cực khổ, tốn kém lắm vì cứ bơm được bao nhiêu thì nước lại “đi” hết bấy nhiêu. Do vậy, trồng lúa không còn hiệu quả như trước nữa”.
Một nỗi lo lớn đối với tình trạng thanh long phát triển tự phát là nguy cơ dịch bệnh, nhất là khi dịch bệnh đốm trắng vẫn đang hoành hành. Bởi ngay cả những hộ trồng thanh long lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, vẫn đang phải rất vất vả trong việc đối phó với căn bệnh này, thì với những hộ mới đua nhau trồng thanh long, nguy cơ dịch bệnh càng lớn hơn nữa.
Ở ấp Long An (xã Long Trì, Châu Thành, Long An), chúng tôi đã xác thực việc này, khi tiếp xúc với những hộ mới trồng thanh long một vài năm nay, hầu hết đều dính bệnh đốm trắng với tỷ lệ cao. Khi vườn bị bệnh, những hộ này đều rất lúng túng trong việc điều trị. Như hộ ông Phạm Văn Hưng đã dùng đủ loại thuốc BVTV trị thán thư trên lúa để phun xịt lên cây thanh long, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh.