CANH TÁC HỒ TIÊU ĐẠT CHUẨN HỮU CƠ

 Canh tác hồ tiêu hữu cơ đạt chuẩn , không chứa các dư lượng hóa học thì bà con cần phải chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Khắc phục tình trạng tiêu không xuất khẩu được và giá tiêu giảm mạnh thời gian gần đây.

Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn những kỹ thuật trồng và chăm sóc cơ bản theo hướng hữu cơ, chỉ với phân bón hữu cơ mà không sử dụng các chất hóa học,thuốc BVTV. Bà con đã có thể sản xuất được những hạt tiêu hữu cơ hoàn toàn sạch, tạo đầu ra xuất khẩu hồ tiêu đi những thị trường khó tính có giá trị kinh tế cao.

1. Chọn giống

Là khâu rất quan trọng, quyết định những phẩm chất của tiêu và năng suất tiềm năng mà người trồng mong muốn, cũng như khả năng chống chịu lại sâu bệnh của cây.

Trên cây tiêu, bà con có thể lấy giống ở cả ba loại cành của cây để trồng và ươm trong bầu cho đến khi cây con đạt chuẩn mới đem ra vườn trồng.

Cây con ươm trong bầu khoảng 4 – 6 tháng, cây ra chồi và có từ 5 – 6 lá mới có thể đem ra trồng. Trước khi trồng bà con nên huấn luyện cho cây tiếp xúc với ánh nắng, tháo tấm lưới che vườn ươm ra từ từ trong vòng 15 – 20 ngày trước khi trồng.

* Cành lươn

Là loại cành có sức sống mạnh, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, cây trưởng thành cho năng suất khá cao và ổn định, cây có tuổi thọ lâu dài (trên 30 năm) và giá thành lại rẻ. Nhưng cây cho trái chậm, khoảng 3 – 4 năm sau trồng.

Bà con nên chọn các dây lươn phát sinh từ gốc của bộ khung thân chính, thích hợp với các vườn chuyên canh cây tiêu.

* Cành thân

Đây là bộ phận được dùng để sản xuất giống phổ biến hiện nay. Sau khi trồng từ 1 – 1,5 năm cây phát triển nhanh nhiều cành ác và cho trái nhanh hơn, khoảng 2 – 3 năm. Năng suất cao và tuổi thọ khá cao từ 20 – 25 năm.

Khi gỡ lấy thân tiêu phải thao tác nhẹ nhàng, tránh làm đứt rễ, nên dùng loại hom này cho vườn canh tác để xuất khẩu.

* Cành ác

Là cành mang quả nhưng vẫn có thể dùng làm hom giống. Cây non cho trái rất nhanh, trong vòng 1 năm sau khi trồng nhưng năng suất không cao. Cây phát triển chậm và chỉ mọc thành bụi, tuổi thọ của cây không cao chỉ từ 7 – 8 năm.

Chỉ có thể trồng với quy mô gia đình, không nên áp dụng trong sản xuất.

=> Để canh tác và sản xuất thì bà con nên sử dụng cành lươn, cành thân chứ không nên sử dụng cành ác.

Nên cắt hom vào buổi sáng là tốt nhất, lựa chọn những cành to, khỏe mạnh, cứng cáp và không có dấu hiệu bị nhiễm sâu bệnh, cành có nhiều mắt rễ khí sinh (mắt rễ bám) thì cây sẽ phát triển tốt hơn.

Chọn hom giống trên cây trên 1 năm tuổi, cắt lấy hom có khoảng 3 – 4 mắt, vết cắt xéo, sắc gọn không bị bầm dập hay bị xước, vết cắt cách hom 1,5 – 2 cm.

Loại bỏ những đoạn thân non, không đạt chỉ tiêu. Khi ươm nên cắt bỏ hết tất cả lá để hạn chế thoát hơi nước cho cành hom.

* Thời vụ trồng

Tùy vào điều kiện thời tiết khí hậu ở mỗi khu vực mà thời gian trồng khác nhau, tốt nhất là vào đầu mùa mưa để tận dụng được lượng nước mưa cho cây.

Cụ thể ở khu vực Đông Nam Bộ là khoảng tháng 6 – 8, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ thì vào khoảng tháng 9 – 10 và khu vực Tây Nguyên là tháng 5 – 8.

2. Chuẩn bị đất

Có thể trồng trên các loại đất khác nhau, nhưng đất phải có độ tơi xốp, đủ ẩm và không bị ngập úng. Tốt nhất là trên đất bazan, và hơi chua nhẹ, tầng đất mặt dày trên 80 cm.

Rễ tiêu ăn cạn nên mực nước ngầm phải sâu tối thiểu khoảng 2m và thoát nước tốt, đặc biệt đất không được quá dốc, tối đa là 250.

Sau khi khai hoang, đất phải được cày bừa kỹ càng và dọn dẹp thật sạch các loại cỏ dại, các tàn dư thực vật của các loại cây trồng trước đó.

Bà con nên luân canh các cây họ đậu trên đất đó khoảng 1 – 2 năm hoặc cây ngắn ngày khác, để góp phần cải tạo đất và hạn chế được một số sâu bệnh hại cho cây tiêu sau này.

Ở giai đoạn kiến thiết bà con nên trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày tăng thêm thu nhập, một phần hạn chế cỏ dại và giúp giữ ẩm, cải tạo đất.

* Thiết kế hệ thống thoát nước

Tùy vào mỗi địa hình mà bà con thiết kế hệ thống thoát nước sao cho hợp lý, không để đất bị ngập nước vì rễ cây tiêu ăn cạn nên sẽ dễ bị úng.

Cứ khoảng 10 – 15 m, ở giữa hai hàng trụ tiêu thì đào 1 rãnh nhỏ vuông góc với hướng dốc chính, rãnh sâu khoảng 15 – 20 cm, rộng 20 cm.

Dọc theo hướng dốc chính ở giữa hai hàng trụ tiêu là rãnh lớn, khoảng 30 – 40 m thì đào 1 rãnh sâu 30 – 40 cm, rộng 40 cm và vuông góc với rãnh nhỏ.

3. Chuẩn bị trụ

Trụ tiêu là giá thể để cây tiêu có thể bám vào và sinh trưởng, rất quan trọng đối với cây tiêu.

Trung bình cây tiêu thường có tuổi thọ từ 20 – 25 năm, trong suốt thời gian này nếu trụ tiêu chết hay bị gãy đỗ thì cây tiêu cũng bị kéo theo, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, thậm chí chết cây.

Có 2 loại trụ chính: Trụ sống và trụ chết.

* Trụ sống

Cây được dùng làm trụ vẫn còn sống, còn khả năng sinh trưởng và phát triển.Trụ sống không những là nơi để cây tiêu bám vào mà còn giúp che bóng giai đoạn đầu của cây tiêu, giữ ẩm cho đất và cung cấp 1 lượng chất dinh dưỡng khi các lá già rụng xuống.

Trụ sống phải đạt được các chỉ tiêu:

  1. Cây sinh trưởng tốt, nhanh và vững chắc
  2. Cây có rễ cọc ăn sâu, ít phân cành và lá thưa
  3. Không bị chết và có sức phục hồi nhanh sau khi cắt tỉa
  4. Vỏ cây sần sùi và không dễ bị bong tróc
  5. Ít bị sâu bệnh, không phải là loại cây có cùng phổ ký chủ hay là trung gian phát sinh sâu bệnh hại.

Một số loại cây có thể dùng làm trụ tiêu là: Cây muồng đen, lồng mức, đỗ quyên, cây núc nác, cây keo dậu hoặc cây gòn,… Bà con phải thường xuyên cắt tỉa tán và hãm ngọn để kiểm soát chiều cao của cây 1 năm 2 lần.

Trụ tiêu cần được chuẩn bị trước khi trồng tiêu khoảng 1 – 2 năm, để trụ tiêu đạt đủ sự vững chắc cho cây tiêu bám vào. Trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5 m hoặc 3 x 2 ,5 m.

* Trụ chết

Bao gồm các loại trụ bằng bê tông cốt thép, trụ  gạch, cọc gỗ,… tất cả đều được làm từ những nguyên liệu dễ tìm, các loại trụ này có tuổi thọ cao, có thể phục vụ cho cả vòng đời của cây tiêu và không mất khoảng thời gian 1 – 2 năm ban đầu như trụ sống.

Nhưng chi phí đầu tư ban đầu cao, với cọc gỗ còn gián tiếp dẫn đến tình trạng phá rừng để lấy gỗ. Những trụ bê tông và trụ gạch có khả năng hấp thụ nhiệt rất cao, nên khi trồng bà con cần bó rơm hoặc cỏ khô để rễ tiêu dễ bám vào mà không bị ảnh hưởng.

Dùng trụ chết thì bà con nên trồng trụ trước trồng tiêu khoảng 1,5 tháng.Hiện nay, các chuyên gia đã khuyến cáo bà con nên sử dụng các trụ tiêu sống, để tận dụng được hết những lợi ích của nó.

4. Tiến hành trồng

* Đào hố

Thực hiện trước khi trồng khoảng nửa tháng, kết hợp với việc bón lót phân hữu cơ.

Đối với trụ gạch do có đường kính ở đáy lớn nên có thể trồng nhiều gốc tiêu hơn, bà con có thể đào từ 6 – 8 hố xung quanh trụ với kích thước là 40 x 40 x 40 cm, mỗi hố đặt 1 bầu tiêu (1 hom tiêu).

Còn các loại trụ còn lại, thì mỗi trụ chỉ đào 2 hố ở 2 bên trụ, mỗi hố đặt 1 bầu tiêu (1 hom tiêu), kích thước mỗi hố là 40 x 40 x 40 cm. Hoặc bà con có thể chỉ đào 1 hố to với kích thước 60 x 60 x 60 cm, và đặt 2 bầu tiêu vào cùng 1 hố.

Tất cả đều có mép hố cách trụ từ 15 – 20 cm, nên bố trí hố dọc theo hướng Đông.

* Đặt hom

Khi đặt hom, bà con phải nhẹ nhàng xé bỏ bao phía ngoài của bầu tiêu, tránh làm bể bầu. Đặt bầu tiêu vào hố và để hơi nghiêng một chút, khoảng 30 – 400 hướng về phía trụ tiêu.

* Trồng dặm

Trong khoảng 7 – 10 ngày sau trồng, bà con thăm vườn và kiểm tra, nhổ bỏ những cây bị chết hay cây yếu ớt, cây còi cọc, thay thế vào đó những cây mới khỏe mạnh và tiếp tục chăm sóc.

Việc trồng dặm phải được kết thúc khoảng 2 tháng trước khi bắt đầu mùa khô. Sau khi trồng thì bà con dùng rơm rạ khô đặt xung quanh gốc để giữ ẩm.
                                                         Trồng hồ tiêu với mật độ phù hợp giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt

5. Chăm sóc

5.1 Đôn tiêu

Khi thấy dây tiêu đã vươn tới trụ thì bà con dùng dây để buộc cố định dây tiêu lại, giúp cây tiêu dễ bám hơn và định hình hướng bám. Buộc gần đốt tiêu và khi cây đã bám chắc rồi thì bà con có thể gỡ bỏ những dây tiêu đó đi. Thân tiêu lên đến đâu thì buộc đến đó.

Trường hợp bà con trồng tiêu bằng hom từ cành lươn thì cây con sẽ ra nhiều dây thân, thì nên tỉa bỏ bớt để cây tập trung dinh dưỡng. Mỗi trụ tiêu chỉ nên chừa 3 – 5 dây tiêu to khỏe là được.

Tầm 12 – 15 tháng thì dây tiêu dài hơn, khoảng 1,5 – 2 m và cho cành để mang quả thì bà con tiến hành đôn tiêu, thực hiện vào những ngày nắng ráo trong mùa mưa.

Vì dây lươn cho cành mang quả ở khoảng 1,2 – 1,5 m trở lên, không tận dụng được tối ưu diện tích trên trụ và năng suất thấp.

Trước khi đôn dây 1 ngày, bà con hãy tước bỏ hết lá ở đoạn không có cành mang quả.

Đào rãnh xung quanh trụ tiêu, sâu khoảng 10 – 15 cm và rộng khoảng 15 – 20 cm tùy vào cơ cấu đất, cách gốc tiêu 25 – 30 cm.

Gỡ dây tiêu khỏi trụ, thao tác phải được thực hiện nhẹ nhàng, tránh là đứt rễ hay gãy thân, vì cây tiêu rất “mỏng manh” dễ gãy dập.

Sau đó đặt đoạn dây tiêu xuống rãnh (đoạn đã xác định là không cho cành mang quả trước đó), cuộn thuận theo hướng nghiêng của dây tiêu. Cành mang quả thấp nhất phải cách đất từ 30 – 40 cm.

Lấp một phần đất (khoảng 2/3 lượng đất đào ra), nén lại cho chặt vừa, và tưới nước. Khi thấy cây đã bắt đầu ra rễ thì bà con trộn 1 ít phân hữu cơ cùng với phần đất còn lại và lấp lên hết.

5.2 Tưới nước

Nhu cầu nước của cây tùy vào từng giai đoạn phát triển và tùy loại đất. Đối với nền đất cát nhiều thì khả năng giữ nước, giữ ẩm kém, nên sẽ phải tưới nhiều hơn và chu kỳ tưới cũng ngắn hơn so với đất bazan, đất thịt,…

Trên đất bazan: Giai đoạn mới trồng thì khoảng 10 – 15 ngày, trung bình khoảng 28 – 30 lít/trụ, giai đoạn kiến thiết cơ bản đến giai đoạn kinh doanh thì tăng dần lượng nước mỗi lần tưới 30 – 40 lít/trụ, 20 – 25 ngày bà con tưới 1 lần.

Trên đất cát: Giai đoạn mới trồng lượng nước tưới là 20 – 30 lít/trụ, chu kỳ tưới từ 7 – 10 ngày, giai đoạn kiến thiết cơ bản vẫn với chu kỳ tưới đó nhưng tăng lượng nước lên 30 – 40 lít/trụ, giai đoạn kinh doanh thì tưới cũng vậy và cách 10 – 15 ngày tưới 1 lần.

Vào mùa mưa, bà con có thể không cần tưới, nhưng nếu 10 ngày liên tục không có mưa thì bà con nên tưới bổ sung cho cây. Sau khi thu hoạch, không tưới khoảng 1 – 2 tháng để tạo điều kiện khô hạn cho cây.

Bà con nên áp dụng hệ thống tưới nước ngầm cho cây thay vì tưới bằng vòi, không gây ảnh hưởng đến bộ rễ của cây và góp phần tiết kiệm nước.

5.3 Cắt tỉa cây giai đoạn kinh doanh

Lúc này cây đã sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, các cành thân, cành lươn hay cành ác sẽ ra nhanh, vì thế cần phải cắt tỉa để cây được thông thoáng và tập trung nuôi những cành cần thiết.

Những cành lươn phát sinh đều cắt bỏ, bà con có thể tận dụng để nhân giống, bằng cách dựng trụ tạm và cho dây lươn bám vào đến khi đủ khả năng để làm giống.

– Những cành ác và cành cành lươn mọc dưới gốc tiêu, cành ác thấp nhất là cách mặt đất 10 – 15 cm.

– Cành tăm và các cành ác yếu, ít lá hoặc không có lá.

– Cành thân mọc ngoài tán tiêu, hay cành vươn quá cao khỏi trụ.

Việc cắt tỉa tiến hành mỗi năm 2 – 3 lần, vào những ngày nắng ráo.

5.4 Cắt tỉa trụ sống (rong tỉa cành)

Đối với vườn tiêu sử dụng trụ sống thì cây sẽ vươn nhanh và cho tán rộng làm ảnh hưởng đến nguồn ánh sáng của vườn, cần cắt tỉa gọn gàng nhưng vẫn giữ được bóng râm cho cây tiêu.

Trên đoạn thân trụ, để tiêu dễ bám thì nên cắt bỏ hết các cành ngang, khi trụ đã cao đến mức mong muốn thì bà con cần hãm ngọn lại để dễ thu hoạch và chăm sóc.

Mỗi năm bà con rong tỉa trụ khoảng 2 lần, đầu mùa mưa thì rong tỉa mạnh và cuối mùa mưa thì rong tỉa nhẹ hơn.

5.5 Làm cỏ

Cỏ dại tuy giúp giữ ẩm đất, giúp đất được tơi xốp nhưng nếu để cho cỏ mọc quá rậm rạp thì sẽ tạo môi trường cho sâu bệnh hại phát sinh gây hại, cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. Cần quản lý cỏ dại ở mức độ vừa phải.

Bà con không nên sử dụng các chất hóa học để diệt cỏ, vì không an toàn cho sức khỏe, dễ gây mất cân bằng sinh thái trong vườn, dẫn đến các loại nấm, vi khuẩn sâu bệnh dễ phát sinh khi không tiếp tục dùng chất hóa học.

Nên dùng các biện pháp thủ công để làm cỏ, khuyến cáo bà con nên làm sạch cỏ ở gốc, phạm vi tán cây với bán kính 50 – 60 cm, vào mùa khô nên để cỏ ở gốc để giữ ẩm.

Ngoài ra thì nên để lại thảm cỏ và hạn chế chiều cao của chúng bằng cách dùng liềm cắt, hoặc máy cắt để cắt ngang, để cỏ cao khoảng 5 – 7 cm.

5.6 Bón phân

Khi sử dụng các loại phân bón hữu cơ sẽ giúp cải tạo,tăng độ phì nhiều cho đất mà không gây thoái hóa đất, vừa thân thiện với môi trường vừa an toàn cho sức khỏe.

Bón lót: Khi đào hố, bà con bón khoảng 0,8 – 1 kg phân bón hữu cơ/trụ và tưới đẫm.

Bón thúc: Giai đoạn kiến thiết bà con bón từ1,5 – 2 kg/trụ.

Giai đoạn kinh doanh

Sau khi xiết nước ( bón khoảng 2 lần, mỗi lần bón 1 – 1,5 kg phân bón hữu cơ/trụ và bón cách nhau ít nhất 15 – 20 ngày.

Khoảng 2,5 – 3 tháng sau, tiếp tục bón từ 1 – 1,5 kg/trụ.Đến 5 tháng sau khi xiết nước thì bón tiếp 1 – 1,5 kg/trụ.Sau đó khoảng 1 – 2 tháng thì bón tiếp 1 – 2 kg/trụ.

Hồ tiêu được sử dụng phân hữu cơ trùn quế Dgreen

5.7 Phục hồi cây

Với những cây tiêu vừa bị bệnh, hay sau thu hoạch thì rất yếu, cần được chăm sóc nhiều hơn để cây nhanh hồi phục. Bằng cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ, bà con hãy bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tăng dần lượng phân bón mỗi lần bón cho các cây cần hồi phục, từ 1 – 1,2 kg phân bón hữu cơ/trụ đến khoảng 2 – 2,5 kg/trụ, và bà con có thể bón thành nhiều lần cho cây.

Tưới nước giữ ẩm tối đa cho cây nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, không để cây bị ngập úng.

Bà con tuyệt đối không dùng các loại phân bón vô cơ hay các chất hóa học, vì nó không những không đem lại hiệu quả mà còn làm cây bị “nóng”, làm đất thoái hóa.

6. Phòng trừ sâu bệnh hại

Cây tiêu thường bị các loại nấm bệnh và vi khuẩn tấn công gây bệnh vàng lá chết chậm, vàng lá chết chậm, thán thư… các côn trùng gây hại như rệp sáp, bọ xít.

Các bệnh trên cây tiêu hầu như đều rất dễ tái phát, nếu bà con cứ sử dụng các chất hóa học để phun thì sẽ rất tốn kém và không đạt hiệu quả, đôi khi còn khiến cây bị “lờn thuốc”. Vì vậy bà con nên sử dụng các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa từ lúc trồng, cả khâu chăm sóc.

Bằng cách sử dụng các giống có tính kháng và dùng các loại phân bón hữu cơ bón cho cây, chúng ta đang tạo ra một môi trường không chất hóa học, giúp cây có thể tăng khả năng chống chịu lại sâu bệnh, bảo vệ những côn trùng có lợi làm thiên địch.

Dgreenhome.com